Wednesday, August 12, 2009

HOA NỞ GIỮA LÒNG ĐỊCH - Phùng Ngọc Sa

Phùng Ngọc Sa

Cách đây trên 2350 năm, thiên tài quân sự Tôn Vũ Tử (sinh năm 400 Trước Công Nguyên - Mất năm 330 trước CN) đã để lại cho hậu thế quyển Tôn Tử Binh Pháp (còn gọi là Tôn Ngô Binh Pháp), một tác phẩm bất hũ được xem là một quyển binh thư toàn hảo nhằm mục đích giáo dục các cấp lãnh đạo biết việc ứng dụng nghệ thuật quân sự vào các kế hoạch điều binh; hiện còn được các viện Nghiên Cứu Chiến Lược nổi tiếng trên thế giới dùng, và các chiến lược gia một phần dựa vào đó để soạn thảo kế hoạch tác chiến cho các lực lượng vũ trang quốc gia.

Theo chỉ đạo của chiến lược gia họ Tôn, nếu muốn quân đội chiến đấu hữu hiệu, thâu gặt được nhiều thắng lợi, buộc các cấp lãnh đạo phải biết ứng dụng kỷ thuật tình báo vào các công tác hành binh. Vì thế, Tôn Vũ Tử đã dành trọn cả thiên thứ XIII của bộ Tôn Ngô Binh Pháp để viết, phân tách, giảng dạy và hướng dẫn các nhà quân sự về tình báo với một lời minh xác rõ rệt: «Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng»; có nghĩa là: «biết mình, biết người trăm trận trăm thắng; trái lại biết mình mà không biết người thì chỉ có thảm bại và trăm trận đều thua». Nói chung, không nắm vững tin tức chính xác và giá trị thì sẽ không bao giờ đoạt kết quả.

Để đạt được hiệu năng nói trên, họ Tôn đã nói cho lãnh đạo các cấp biết, muốn chủ động trên các mặt trận, từ kinh tế, chính trị đến quân sự, thì tiên quyết nhà lãnh đạo phải nắm vững các yếu tố Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân Hòa. Tựu trung, muốn có kết quả tốt phải nắm vững các nguồn tin và muốn được vậy thì cần phải có được một hệ thống cán bộ giỏi, can đảm và thông thạo kỷ thuật thâu lượm tin, một là qua các đường lối «thẩm thấu», tức xâm nhập vào hàng ngũ địch (infiltration), hoặc là áp dụng phương pháp cài người (service de noyeautage) mà cán bộ điệp báo (gián điệp+tình báo) văn vẻ gọi là «Hoa Nở Giữa Lòng Địch». Theo ý họ Tôn, dù áp dụng hình thức nào, đòi hỏi người thi hành nhiệm vụ phải có một lý tưởng chiến đấu vững chắc, đặc biệt với những ai được sử dụng vào các điệp vụ cài người; do phải đơn thương độc mã hoạt động giữa lòng địch, phải đối diện với mọi tình huống khó khăn và nguy hiểm, người cán bộ ngoài đức tính bình tĩnh và can đảm, họ buộc phải tiến hành công tác với một niềm tin mãnh liệt giống như các tín đồ của một tôn giáo mới đáp ứng được yêu cầu của vai trò điệp báo.

Xin mời quý độc giả xét vai trò gián điệp trong cuộc chiến Quốc-Cộng vừa qua.

* Vai Trò Điệp Báo Trong Cuộc Chiến Tranh Quốc-Cộng:

Như đọc giả biết, mặc dầu bị Pháp đô hộ hơn 80 năm, toàn dân Việt Nam vẫn bất chấp gian nguy, vẫn kiên trì và không ngừng chiến đấu chống lại bọn đế quốc xâm lược. Hết phong trào Cần Vương rồi đến Văn Thân; hết các chiến công oanh liệt của bộ đội ông Thủ Khoa Huân, quân của tướng Nguyễn Trung Trực ở trong Nam, đến chiến khu kháng chiến của người hùng Yên Thế là ông Đề Thám ở ngoài Bắc, nhân dân ta đâu đã chịu ngồi yên để cho thực dân Pháp an tâm hưởng lợi. Với khí thế toàn dân, toàn diện chiến đấu, cộng với sự hỗ trợ của hệ thống tình báo nhân dân, quân ta nhiều phen giáng trả cho thực dân và thế lực phong kiến nhiều đòn chí mạng, lắm lúc cơ hồ như sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm có hy vọng như ánh sáng cuối đường hầm.

Rủi thay, đến thập niên 1930, khi đảng CSVN ra đời; chúng nhờ được phong trào cộng sản quốc tế tích cực yểm trợ nên khá mạnh, nhưng bọn họ lại có mưu đồ đánh phá phía quốc gia. Do đó lực lượng của ta bị kẹt giữa hai lằn đạn. Ta không những bị thực dân truy lùng tận diệt, mà còn bị cộng sản tìm cách đánh lén, chỉ điểm, cung cấp tin tức về hoạt động của ta cho Pháp. Cụ thể là trước ngày khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Thái Học đã nhiều phen bị khó khăn vì phát giác được chính bọn CSVN chỉ điểm cho Tây biết trước các hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng (*). Càng về sau, bọn cán bộ CSVN càng ra mặt phản quốc làm chó săn cho Pháp để đánh phá phía quốc gia; điển hình là Võ Nguyên Giáp, một cán bộ cộng sản cao cấp đã từng xin làm con nuôi cho trùm mật thám Pháp Louis Marty. Về sau, 1945-1946, đàn em của Giáp lại công khai tình nguyện bán tin và chỉ điểm hoạt động quân sự của Mặt Trận Quốc Dân Đảng (gồm Việt NamQDĐ+ĐạiViệt QDĐ) cho Cousseau, một tên đầu sỏ tình báo Pháp để bọn chúng phối hợp lùng diệt ta.

* Tương quan lực lượng tình báo của hai phía Quốc-Cộng:

Cả hai phía Quốc-Cộng đều đặt nặng công tác tình báo hòng thâu lượm được nhiều thắng lợi. Tuy nhiên, cán cân lực lượng nghiêng hẵn về phía cộng sản hơn Quốc Gia vì các lý do sau đây:

a. Phần quốc gia:

Cán bộ không được huấn luyện đủ, riêng về phía các chính đảng thì chỉ dựa vào lòng ái quốc và kỷ luật đảng, và nhờ được trang bị lý tưởng chiến đấu nên sẵn sàng hy sinh tính mạng cho chính nghĩa quốc gia. Tiếc thay, vì không được yểm trợ tài chánh, thiếu phương tiện, nên nếu có đạt được phần nào kết quả chẳng qua là nhờ may mắn, hoặc kinh nghiệm và tài năng cá nhân chứ không phải nhờ đường lối chỉ đạo chung mà có.

Về phía quân đội quốc gia khi được thành lập và trưởng thành thì nói chung, về khả năng và kỹ thuật thâu lượm tin tức cũng như danh tài điệp báo thì chúng ta đâu có thiếu người giỏi. Tiếc thay, phải hoạt động theo một đường lối thư lại; cấp lãnh đạo lại không đủ khả năng vận dụng lòng yêu nước và lý tưởng quốc gia mà chỉ dùng bã danh lợi làm động cơ thúc đẩy. Vì thế, người thi hành nhiệm vụ tình báo không phát huy hết khả năng cũng như tinh hoa của nghiệp vụ... Hơn nữa, từ tài chánh cho đến phương tiện hoàn toàn trực thuộc nguồn viện trợ: Ai chi tiền, người đó chỉ huy.

Trước năm 1954, mọi việc đều dựa vào quân đội Pháp và chỉ có người Pháp mới chủ động công tác tình báo; về sau thì do ta trực tiếp sưu tầm, nhưng lại phải trông nhờ vào phương tiện của Mỹ. Tình hình chung, họ có mở rộng hầu bao, và cung cấp đủ phương tiện thì ta nhờ, bằng không thì phải tự xoay xở lấy; với phương thức hoạt động như thế thì đâu có kết quả tốt. Ví dụ cụ thể, Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, khi người viết phải tạm giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Tiền Phương Sư đoàn 5 Bộ binh tại Bình Long-An Lộc trong một thời gian ngắn; trong sinh hoạt tham mưu hằng ngày, chúng tôi cố mưu tìm Tin A2, tức là tin tức tối mật từ viên cố Vấn Mỹ đặc trách tình báo để biết và theo dõi hoạt động của các đơn vị CS thường quấy phá Sư Đoàn 5 như các Công trường 5,7,9. Rất tiếc, vì một lý do đặc biệt nào đó liên quan đến việc đi đêm giữa Mỹ-VC tại hòa đàm Paris nên viên cố vấn nầy thường úp mở tìm cách thoái thác không cho biết, hoặc có, thì y nói là đơn vị CS còn cách xa Sư Đoàn trên mấy trăm km. Bất ngờ vào những ngày cuối tháng 3-1972, khi các công trường của địch đã bám sát ta, chỉ còn cách bản doanh độ 30km, nghĩa là vừa tầm đại pháo 130 ly, lúc nầy Mỹ mới tiết lộ. May mà Sư Đoàn đã có chuẩn bị trước, bằng không sẽ vô phương cứu chữa và thất trận ngay lúc đó.

2. Phía CSVN:

Trước hết phải xác nhận, cộng sản là một loại «Tôn Giáo Thế Tục», cán bộ của chúng ắt là những «tín đồ» ngoan đạo; do đó bất cứ hành động nào thấy lợi, cần hy sinh để phục vụ đảng và sự nghiệp của quốc tế vô sản thì bọn chúng sẵn sàng dấn thân. Ngoài việc học tập các giáo điều và được trang bị lý tưởng chiến đấu, CSVN còn được quốc tế cộng sản hỗ trợ tài chánh và kỹ thuật tối đa, lại nữa chúng thu lượm được nhiều kinh nghiệm điệp báo từ Hiến Binh Nhựt, OSS Mỹ, KGB Nga, đến Phòng Nhì Pháp nên có nhiều hiểu biết hơn quốc gia; nhờ đó cộng sản đã mưu đồ thực hiện nhiều điệp vụ hơn ta. Ví dụ: khi Hiệp Định Genève ra đời để tạm chia đôi đất nước; phía CSVN đã có sẵn kế hoạch và đã gài người ở lại miền Nam. Chúng ra lệnh chôn giấu vũ khí để chờ cơ hội tái hoạt động. Trong khi đó về phía quốc gia theo các cấp lãnh đạo cao cấp tình báo từ Sở Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng Thống, cho tới Nha Kỹ Thuật về sau tiết lộ: do không có cơ sở quần chúng tại địa phương, đặc biệt ở miền Bắc lại không có chính quyền quốc gia; hơn nữa thiếu tiên liệu và phương tiện, vì thế chỉ gài được một số hoạt động nhỏ và sau một thời gian ngắn, phần lớn đã bị «bể» phải rút vào bóng tối. Về phía người Mỹ, tuy họ có chủ động bằng cách thuê mướn một số người sắc tộc thiểu số địa phương hoạt động quấy phá tại hậu phương địch, nhưng vì không có chính nghĩa và thiếu kiên nhẫn nên sớm tàn lụi.

Nhận xét chung: Do bản chất cũng như vì nặng đầu óc tiểu tư sản, người quốc gia cứ tự cho mình là «chính nhân quân tử» nên quan niệm rằng, việc tìm tòi, bươi móc dí mũi xía vào chuyện của người khác để tìm kiếm tin tức không phải là một hành động chân chính, mà đó là việc làm của kẻ tiểu nhân; trong khi đó phía CS phần lớn là bọn lưu manh, chúng bất chấp thủ đoạn để «moi tin» vì thế khả năng săn lùng theo dõi và thu lượm tin của ta không bằng phía cộng sản.

* Những Điệp Vụ Cài Người Điển Hình Của CSVN Vào Chiến Tuyến Của Ta:

Có nhiều sách báo, hoặc xuất hiện trên các mạng lưới internet tỉ như «Thép Đen», thỉnh thoảng đã phổ biến một số tài liều về hoạt động tình báo mà CSVN đã gài để phá hoại hàng ngũ quốc gia. Trong khuôn khổ bài viết hạn hẹp, chúng tôi chỉ xin trình bày đến quý bạn đọc vài câu chuyện điển hình xảy ra từ trước dưới đây:

1. Việt Minh cộng sản gài nữ sĩ Thụy-An giết chết ông Đỗ Đình Đạo:

Năm 1953, Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí đề cử ông Đỗ Đình Đạo làm Tổng Giám đốc Đoàn Quân Thứ Lưu Động để bình định các tỉnh phía Bắc. Được biết, ông Đạo là một cấp lãnh đạo của một chính đảng quốc gia; với tài sản to lớn và hùng khí sẵn có, ông đã yểm trợ tối đa cho Đệ Tam Khu Chiến của VNQDĐ trong kế hoạch tiêu diệt cộng sản địa phương. Vốn mang hai dòng máu, nhờ đó ông có được một ngoại hình bảnh trai; ông lại giàu nghệ sĩ tính, sử dụng chiếc clarinette một cách tuyệt vời điệu nghệ, vì thế ông đã lôi cuốn khá nhiều nữ giới. Với tài năng, uy tín và nhiều ưu điểm khác của ông, dưới mắt bọn cộng sản đánh giá cho là nguy hiểm; theo chúng ước tính, nếu người hùng Đỗ Đình Đạo tận dụng hết khả năng điều khiển Đoàn Quân Thứ Lưu Động bình định địa phương thì chắc sẽ chóng thành công, trong tình huống đó thì bọn du kích CS Việt Minh địa phương không còn đất chôn thân. Võ Nguyên Giáp được báo cáo, y thấy nguy hiểm nên ra lệnh phải thủ tiêu ông Đạo. Phản gián CS đã vận động một số nữ giới trong đó có nữ sĩ Thụy An tham gia tổ chức ám sát ông Đạo. Nữ sĩ Thụy An, một nữ lưu tuy không đẹp và xuất sắc bằng phu nhân của ông Đạo, nhưng y thị lại được huấn luyện tình báo nên sở trường về nghệ thuật nữ sắc. Mặt khác, theo đánh giá thì nữ sĩ Thụy An dễ tiếp cận với «đối tượng» hơn các ứng viên khác vì dù sao cũng được tiếng là một nữ văn sĩ; lại nữa, bà ta vốn đã từng «già nhân ngãi non với vợ chồng» với ông Đạo từ trước, nên y thị dễ bám sát con mồi. Quanh ông Đạo chẳng ai chú ý đến chuyện liên hệ nam nữ giữa hai người; họ chỉ để ý đến việc đôi nhân tình quấn quýt nhau, và chỉ phát giác được vụ việc khi thấy thi thể của ông Tổng Giám Đốc bị bầm tím và Thụy-An đã cao bay xa chạy. Về sau khám phá và biết được: Thụy An đã lợi dụng việc phòng the, thừa cơ hội «đối tượng» bị thấm mệt sau cuộc truy hoan liền tự tay chích một mũi độc dược cyanure để giết chết người vừa chăn gối.

Kết quả: Chỉ vài năm sau khi nữ sĩ Thụy An ám sát ông Đỗ Đình Đạo chết, do y thị vô ý nói: «Theo lệnh của anh Văn, (tức Võ Nguyên Giáp), tôi đã chích thuốc giết chết tên Đạo.» Cộng sản cho đó là tiết lộ bí mật công tác, hơn nữa bọn chúng muốn bịt đầu mối nên hạ lệnh «trả công» cho Thụy An bằng cách vô cớ ghép bà vào vụ án Nhân Văn Giai Phẩm và bỏ tù bà 15 năm. Năm 1982, một vài chiến hữu VNCH bị tù đày ở trại giam CS Hà Tây, trong dịp đi lao động đã gặp lại bà với thân hình tiền tụy, bị chột mắt trái, đang ngồi trên một sạp lá gần trại Hà Tây, bán thuốc lào với vài ấm trà nụ vối để độ nhật. Bà cho biết, khi bọn công an tới còng tay, bà kịp lấy ngòi viết đâm vào mắt trái và nói:» Tao chỉ muốn nhìn bọn cộng sản chúng bây bằng một con mắt»

2. Vụ gián điệp Phạm Xuân Ẩn:

Trong dịp ông Phạm Xuân Ẩn, cựu tình báo viên cộng sản qua đời vào sáng 20-09-2006 tại Quân Y Viện 175 Sài Gòn ở tuổi 79, báo chí trong nước và ngoại quốc đã viết rất nhiều về nhân vật nầy.

Nhật báo Nhân dân của CSVN xuất bản vào ngày 21-9-06 đã «đánh bóng» một cách quá lố rằng: »Sau hai mươi năm chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn đã làm được những việc ít có nhà tình báo cổ kim đông tây nào làm nổi». Riêng các đài ngoại quốc, đặc biệt đài Á Châu Tự Do phát thanh vào ngày 26-09-2006 đã có bài viết về «cái chết của một siêu điệp viên» (Death of a super spy) của Dan Southerland, Phó Tổng Giám Đốc đài nầy nói: «đối với cộng sản Bắc Việt, siêu điệp viên Phạm Xuân Ẩn là một người yêu nước và một người anh hùng. Đối với nhiều người miền Nam, ông ta là một kẻ phản bội.» Dan Southerland còn trích dẫn lời ký giả của tờ báo The Independent ở London là Bruce Palling đề cao Ẩn, y nói: «Ẩn được coi là một trong điệp viên lớn nhất của thế kỷ 20» (An should rightly be viewed as one of the greatest spies of the 20th century). Theo người viết cũng như một số chiến hữu từng biết và có liên hệ với ông Ẩn đều nhận xét: chỉ có bọn CSVN lẫn cả những kẻ từng chủ trương «bôi đen» hoặc «bi thảm hoá» tình hình Việt Nam Cộng Hòa lúc đó cho xấu đi để vừa ý bọn phản chiến ngụy hòa Mỹ, chúng có cớ tháo chạy bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa; chỉ bọn đó mới lớn tiếng đề cao Phạm Xuân Ẩn. Thực tế ông Ẩn chẳng có gì đáng gọi «super hay siêu» mà chỉ là một gián điệp nhị trùng và là một nhà báo từng đại diện cho các hãng tin ngoại quốc nhu Reuter, đặc biệt là phóng viên chính thức của Tạp Chí Time tới 10 năm; nhưng bọn phản gián đã huyền thoại hóa, hư cấu rồi lợi dụng tên tuổi của Ẩn để phóng đại chiến công của CSVN. Sự đời kẻ thắng thì phét lác mấy mà chả được.

Người viết còn nhớ, vào đầu năm 1954, nhờ được sự giới thiệu của Đại Úy Đinh v T, một bậc đàn anh cùng quê làm chánh văn phòng của Trung tướng Nguyễn V Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia VN lúc đó tiếng Pháp gọi tắt là EMG, tức État Major Général, tọa lạc tại đại lộ Trần Hưng Đạo (Boulevard Galilénie), chúng tôi mới biết được Thượng Sĩ Phạm Xuân Ẩn, một người thông thạo tiếng Pháp lẫn tiếng Anh đang tùng sự dưới quyền Thiếu Tá Vũ Văn Giai, Trưởng Phòng 5/BTTM. Về sau ông là thông dịch viên tiếng Anh chính thức cho cơ quan TRIM, một bộ phận hổn hợp Mỹ-Pháp có nhiệm vụ soạn thảo tài liệu huấn luyện cho quân đội quốc gia VN. Ông Phạm Xuân Ẩn giải ngũ với cấp bực Chuẩn Úy. Theo lượng giá của Phòng Báo Chí Sở Nghiên Cứu Chính Trị thì có lẽ Ẩn đã cọng tác với CIA và đã trở thành một gián điệp nhị trùng kể từ khi tùng sự tại đó.

Về sau nhờ có liên hệ công tác, chúng tôi lại được tái ngộ với ông Ẩn khi ông nầy phục vụ tại Sở Nghiên Cứu với ông LVT và được biết, Phạm Xuân Ẩn còn có tên khác, sinh năm 1927 tại xã Bình Trước, tỉnh Biên Hòa. Được biết, có một thời gian ngắn đương sự đã theo kháng chiến.

Với một số tài liệu trên, chúng tôi cảm biết; Bác sĩ Trần KimTuyến, Giám đốc Sở Nghiên Cứu đã nắm rõ lý lịch của đương sự, và vì thế mới tài trợ cho Phạm Xuân Ẩn đi tu nghiệp báo chí tại Nam California, Hoa Kỳ. Chắc quý độc giả còn nhớ, thời bấy giờ đi du học hay du hành quan sát tại Hoa Kỳ là một việc rất khó khăn; ngay sĩ quan các cấp, không đủ tiêu chuẩn an ninh, có nghĩa từ tứ thân phụ mẫu đến bà con quyến thuộc có liên hệ với CSVN đều bị loại. Sở Nghiên Cứu Chính Trị đã bảo trợ cho ông Phạm Xuân Ẩn đi tu nghiệp thì việc ông ta trở lại phục tại cơ quan chẳng có gì thắc mắc. Điều đặc biệt, khi Bác sĩ Giám đốc Sở bị thất sủng và do áp lực Hoa kỳ, Sở bị giải tán thì ông Ẩn được bố trí làm cho các cơ quan thông tín ngoại quốc cũng là điều hợp lý.
Câu hỏi đặt ra:

1. Nguyên nhân nào mà ông Phạm Xuân Ẩn cố tìm cách cứu BS Trần Kim Tuyến và một số người khác ra khỏi tay CSVN vào phút chót? (Thoát khỏi Sài Gòn ngày 29-4-75) Một số người biết điều đó vội khen ông Ẩn thuộc hạng «trung nghĩa lưỡng toàn». Thật ra, trong điệp vụ chẳng có gì là tình nghĩa, mà đó chỉ là một hành động «bịt đầu mối». Vì nếu để BS Tuyến bị rơi vào tay cộng sản, bị tra khảo chịu không nổi phải tiết lộ bí mật thì số phận của Ẩn mà trước đây từng cộng tác với BS Tuyến sẽ ra sao; do đó ông Ẩn phải bằng mọi giá đưa BS Tuyến thoát khỏi tay CS.

2. Tại sao Ẩn đã đưa gia đình vợ con đi Mỹ, cứu được BS Tuyến vào phút chót mà ông Ẩn chấp nhận ở lại đối diện với CSVN?

Thật ra câu hỏi cũng như đáp số cho đến khi ông qua đời chưa một ai rõ, kể cả những người thân tín nhứt, ông chỉ nói: «Tôi là một đảng viên, mọi việc do đảng quyết định». Phải chăng đó là một lời trung thực của một «tín đồ» ngu dại quá tin vào đảng.

Biết rằng, liền sau khi CSVN chiếm Sài Gòn ông Phạm Xuân Ẩn đã phải:

1. Lập tức nhờ bạn bè sắp xếp để đưa gia đình vợ con trở lại VN, lộ trình từ New York, Mỹ qua Paris, Pháp xuống phi trường Nội Bài và cả gia đình ông Ẩn phải lưu lại tại Hà Nội trong 3 tháng để khai báo và làm kiểm điểm.

2. Bản thân ông Ẩn phải ra Bắc một thời gian để bị tẩy nảo.

3. Cá nhân ông Ẩn bị «quản chế» tại gia; không được xuất ngoại, bị cấm tiếp xúc với bên ngoài, đặc biệt với giới báo chí ngoại quốc. Hình phạt nầy kéo dài cho đến năm 1986 khi Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh ra lệnh mở cửa và «cởi trói», dịp nầy Phạm Xuân Ẩn mới được tiếp xúc đầu tiên với ký giả Dan Southerland. Và sau đó vì nhu cầu giao thiệp với truyền thông nước ngoài, ông Ẩn mới được phép nới rộng liên lạc hòng có lợi cho đảng. Tuy nhiên, ông vẫn dè dặt, không giống như Bùi Tín đã nói trong khi trả lời phỏng vấn một số báo.

Qua phần trình bày sơ lượt trên, chúng tôi ắt quý độc giả đã nghĩ thế nào về mặt trận tình báo giữa ta và CSVN trong cuộc chiến vừa qua, và chắc chắn đã tìm hiểu được một phần nào nguyên nhân thất bại của chúng ta trước kẻ thù cộng sản để rồi rút được bài học kinh nghiệm cho thế hệ tương lai. Quan trọng nhứt là thấy được cái gương nhãn tiền mà bọn Việt Cộng đã đối xử tàn nhẫn với những ai đã vì «lý tưởng cộng sản» mà hy sinh cho chúng. Xin lưu ý, theo nguyên tắc tình báo, đã là nhị trùng thì không thể hoàn toàn tin tưởng được, vì đầu óc bọn lãnh đạo luôn đặt nghi vấn: "không phản bội, không bán đứng đồng chí, không có chuyện trao đổi thì làm sao thâu lượm tin tức tốt?" vì thế, dù có lập công bao nhiêu thì cũng chỉ tin được một phần. Cứ xem gương, từ nữ sĩ Thụy An bị đày đọa, đến Phạm Xuân Ẩn tuy được đề cao, được tuyên dương «anh hùng lực lượng vũ trang», nhưng phải sống trong nổi phập phồng lo sợ, đặc biệt là phải đối diện với một cuộc sống nghèo nàn thiếu thốn đến độ phải nuôi chó bán chim để độ nhật. Thậm tệ nhứt là bọn CSVN đối xử rất dã man và vô nhân đạo với Vũ Ngọc Nhạ; khi bọn CS biết Nhạ đã lộ chân tướng, bị phản giánVNCH lợi dụng thì bọn họ trở mặt đối xử rất tồi tệ với Nhạ. Tuy, được phong quân hàm cấp tướng, nhưng không được trợ cấp, bị túng thiếu đến độ cháu ruột của Nhạ là anh Vũ Ngọc Thưởng sống ở Pháp từng tâm sự với chúng tôi: «Chú tôi túng đến độ nuôi hai đứa con trai không nổi phải nhờ bạn bè gửi chúng nó vào trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, nhưng chẳng may tới đây thì hai đứa nhỏ bị bỏ đói, bà thím cảm thấy lo sợ nên lại xin cho chúng trở lại nhà. Rủi thay vận động chưa xong thì cả hai thằng con trai của Vũ Ngọc Nhạ bị «trúng gió» chết ngay tại trường.» (Phải chăng bọn CS trả thù vì cho Nhạ phản bội nên giết luôn mấy đứa nhỏ).

Trong Tôn Tử Binh Pháp, Tôn Vũ Tử từng viết: « làm chính trị mà không biết tình báo là đui; hành binh mà thiếu tình báo là què». Câu nói của bậc thầy nầy khiến chúng ta cần phải nghiên cứu và suy nghĩ kỹ lại cho đúng hoàn cảnh.

Hiện trạng sinh hoạt chính trị của Người Việt Quốc Gia ở hải ngoại rất nhiễu nhương và phức tạp, không biết đâu là thực đâu là giả; nói chung không khác gì một đám người mù sờ voi: không kế hoạch, thiếu huấn luyện, mạnh ai người đó làm, thậm chí khi hành động không biết mình đã vô tình đi làm tay sai cho bọn CSVN nên đã làm hỏng sự nghiệp chống cộng sản để cứu nước.

Kính mong các đảng phải chính trị, tổ chức hội đoàn đấu tranh hãy mạnh dạn thanh lọc hàng ngũ, đề cao cảnh giác để phòng ngừa sự xâm nhập của bọn gián điệp CS xâm nhập phá hoại hàng ngũ chúng ta.

Phùng Ngọc Sa

* Sách Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn Đào

No comments:

Post a Comment