Monday, August 10, 2009

Cái Pháo đài cũ - Nguyễn Ðạt Thịnh

Nguyễn Ðạt Thịnh

Khi chưa bắt tay được với Trung Cộng, Hoa Kỳ sử dụng Nam Việt làm pháo đài để be bờ, không cho làn sóng Ðỏ tràn lan khắp Ðông Nam Á. Nhu cầu be bờ của Mỹ phù hợp với nhu cầu chống cộng, bảo vệ tự do của Nam Việt, nên chúng ta đã đồng minh với Mỹ và đã bị Mỹ phản bội khi họ bắt tay được với cả Trung Cộng lẫn Việt Cộng.

Họ rút quân, Việt Nam hoá chiến tranh bằng cách cắt “sạch” mọi viện trợ, “sạch” đến mức tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ xin chưa đầy một tỉ bạc để mua đạn Mỹ giữ pháo đài Mỹ, Mỹ vẫn không cho, xin phân nửa của con số chưa đầy tỉ bạc đó, quốc hội Mỹ cũng bác.

Ðó là chuyện chiến tranh Việt Nam từ năm 1973 đến 1975; những năm tháng quân đội VNCH hấp hối, người lính Việt Nam Cộng Hòa không đồng minh, khẩu súng họ cầm trên tay không có đạn, chiếc máy bay thám thính bị cắt nhiên liệu, không đủ săng để bao vùng giúp bộ binh trên một tiếng đồng hồ, anh pháo thủ chỉ được bắn 3 viên đạn yểm trợ đồn bạn bị tấn công. Đó là điều kiện buồn thảm mà quân đội anh hùng của chúng ta vẫn chiến đấu chống cộng sản Bắc Việt, với toàn bộ khối nhân lực và quân dụng dồi dào của Nga và Tầu sau lưng họ.

Giờ này, 34 năm sau, Hoa Kỳ lại giật mình trước sự lớn mạnh quân sự của Trung Cộng, và lại bắt đầu đi … be bờ bằng cách xây dựng lại cái pháo đài bỏ xập nát ngày xưa; họ đưa ra chương trình “Người Lính Không quân đối thoại trực tiếp với nhau” (Pacific Air Forces' Airman-to-Airman Talks program) của Không đoàn Thái Bình Dương.

Dẫn đầu phái đoàn Không quân Mỹ là Trung tướng Chip Utterback, Tư lệnh Không đoàn 13.

Ông tướng Mỹ nói:

"Quan tâm của chúng tôi tại các cuộc thảo luận này là xây dựng các quan hệ có ích cho tương lai. Qua các cuộc gặp trực tiếp với Không quân các nước trong khu vực và đối thoại với cùng một ngôn ngữ của Quân chủng Không quân, chúng ta có thể tìm thấy các điểm tương đồng và các cơ hội hợp tác trong tương lai."

Trong cuộc họp mặt ở Hà Nội hôm 22/07, đại diện Không đoàn 13 giới thiệu với đại diện Bộ Tư lệnh Phòng không Việt Nam về Không lực Hoa Kỳ và các chương trình huấn luyện phi công của Mỹ.

Thiếu tá Nate Flint, một phi công lái C-17, giới thiệu về chương trình tập huấn của Không quân Mỹ nhận xét rằng cho dù lịch sử giữa hai nước có như thế nào, các Sĩ quan Không quân hai bên (Mỹ - Việt Cộng) vẫn có thể trao đổi để học hỏi lẫn nhau.

Thiếu tá Flint hoàn toàn không nhớ gì cả về cuộc “trao đổi để học hỏi lẫn nhau” của Thiếu tá John McCain 40 năm trưóc. Khẩu súng hay chiếc khu trục đều vô tri, không có lập trường chính trị, trừ khẩu súng trong tay nguời lính VNCH, và chiếc khu trục do anh phi công VNCH bay bổng.

Tiếp xúc không quân lần này là nỗ lực mới nhất trong quá trình mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước cựu thù.

Hồi tháng Sáu, Việt Nam đồng ý để Mỹ tìm kiếm nhân đạo ngoài khơi và trước đó ngày 22 tháng Tư, lần đầu tiên hàng chục sĩ quan Việt Cộng đã lên thăm hàng không mẫu hạm USS John Stennis đậu ở hải phận quốc tế cách bờ biển Việt Nam chừng 290 hải lý.

Những diễn biến này được đánh giá là hai bên đã "thoải mái" hơn trong trao đổi quân sự.

Một khác biệt trong việc lịch sử (Mỹ) tái diễn, là lần này Mỹ không đơn phương be bờ chặn làn sóng đỏ Trung Cộng nữa, bên cạnh Mỹ còn có Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa ghé “thăm” Việt Nam từ ngày 24 đến 26 tháng Bẩy, sau khi dự hội nghị các ngoại trưởng Asean tại Phuket, Thái Lan.

Hãng thông tấn Nga Itar-Tass nói hai bên sẽ "thảo luận các vấn đề có liên quan đến nghị trình song phương, hành động để tăng cường giao lưu quốc tế, chủ yếu ở Hội đồng Bảo an."

Ngoại trưởng Nga cũng thảo luận với Việt Cộng về một thời khắc biểu cho những cuộc gặp gỡ chính trị trong thời gian tới.

“Cuộc hí trường” chính trị thế giới lại tái diễn tại Việt Nam, nhưng lần này với những điều kiện khả quan hơn. Mỹ đã học được bài học cay đắng của thói phản bạn, và Việt Cộng cũng đã nhìn thấy bộ mặt phản bội này của anh đồng minh mới của họ, cũ của ta.

Tuy nhiên chúng ta không thể dửng dưng đứng ngoài nhìn Mỹ-Việt Cộng “hồ hởi phấn khởi” xây pháo đài, be bờ Trung Cộng được, vì chúng ta còn quan tâm đến số phận của đồng bào quốc nội, ngay một thảm thương hơn.

Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments:

Post a Comment