Friday, July 31, 2009

“Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê” - Ngô Nhân Dụng

Ngô Nhân Dụng

Gần đây chúng tôi mới nói chuyện với một người Việt từng tham dự những cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh thành lập huyện Tam Sa ở đảo Hải Nam; anh đã từng bị công an đuổi bắt. Tôi hỏi đùa một câu vô duyên: Sao, đã biết sợ công an chưa? Câu trả lời của anh thật bất ngờ: Không sợ, vì họ cũng là người Việt cả. Tôi chỉ sợ công an Trung Quốc!

Công an Trung Quốc làm gì những người Việt biểu tình ở Hà Nội hay Sài Gòn? Không, họ không cần làm gì cả. Họ chỉ cần theo dõi, ghi chép. Họ sẽ có tên tuổi, địa chỉ, tình trạng vợ con, kế sinh nhai, đường đi lối về hàng ngày của tất cả những người từng nói hay hành động chống quyền lợi Trung Quốc ở Việt Nam. Họ lập một cuốn sổ đen. Khi hữu sự, họ sẽ sẵn sàng. Hình ảnh “cuốn sổ đen” đó đang ám ảnh rất nhiều người Việt yêu nước.

Nghe anh bạn nói, tôi ngờ vực không tin. Nhưng nếu quý vị được nghe cả giọng nói bình thản, dửng dưng không xúc động của anh, quý vị sẽ hiểu mối lo sợ này là có thật. Mạng lưới công an Trung Cộng đã hoạt động ở Sài Gòn-Chợ Lớn từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Dù bây giờ nó không bành trướng lên tới mức đáng sợ như trên, thì mối lo sợ vẫn có thật. Không lẽ công an Việt Nam cũng cộng tác “chiến lược và toàn diện” với công an Trung Quốc trong mật vụ này hay sao?

Gần đây một nhà báo ở Sài Gòn mới bị một đám côn đồ “lạ mặt” hành hung vô cớ. Tình cờ, anh cũng là một nhà báo từng viết trên mạng những bài về đòi bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Anh cũng viết rất nhiều về vụ Bô Xít, và những vụ “tầu lạ” đâm chìm thuyền đánh cá Việt Nam ra biển. Ðám “người lạ” đánh anh nhà báo và đám “tầu lạ” đâm thuyền ngư phủ Quảng Ngãi có liên hệ gì với nhau không?

Một điều chúng ta biết chắc là chính quyền Cộng Sản Trung Quốc quyết tâm bành trướng ảnh hưởng không riêng trong vùng Ðông Nam Á mà ra khắp thế giới, ở bất cứ nơi nào trên thế giới có tài nguyên thiên nhiên để khai thác, Trong mục này đã có lần kể chuyện chúng tôi gặp một sinh viên người Congo ở Quảng Châu. Khi nói chuyện với nhau, anh ta bày tỏ nỗi ngạc nhiên không hiểu sao người Trung Quốc sang nước anh nhiều thế. Và họ đi khắp nơi, cả những vùng núi non xa xôi anh không bao giờ nghĩ đến mà họ cũng mò tới. Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi đọc một bản tin cho biết hơn 200 nhà kinh doanh Trung Quốc ở Congo mới lén bỏ trốn về nước, để lại hàng ngàn công nhân bản xứ đến đập phá nhà cửa, máy móc, cơ xưởng vì họ không được trả lương! Ðám doanh nhân này là những người Trung Quốc sang Congo khai thác mỏ. Hồi đầu năm 2009 giá nguyên liệu kim khí tụt xuống khắp thế giới, các đại gia Trung Quốc chỉ tính làm ăn chụp giật, thấy lỗ vốn bèn bỏ của chạy lấy người!

Hôm rồi, một anh bạn từ Pháp qua chơi kể rằng anh đã đi khắp các nước Phi Châu vì công việc của sở. Tình cờ, anh cũng kể có lần đi đến thăm một chi nhánh của hãng anh ở Côte d'Ivoire, anh tới một thị xã xa xôi hẻo lánh. “Ông biết không? Mình đang bước đi ngoài phố bỗng giật mình thấy một da vàng mặc áo may ô ưỡn cái bụng phệ trên chiếc ghế trước cửa nhà! Ông ấy đang ngồi xỉa răng! Ở giữa cái xứ chỉ thấy toàn mầu da đen, mình tưởng là gặp đồng bào Việt! Hỏi chuyện rồi mới biết ông ấy là một cố vấn cho chính quyền tỉnh, do Bắc Kinh gửi tới! Ông ấy được mang cả gia đình vợ con sang Côte d'Ivoire để làm cố vấn!”

Không thể nói chính phủ Bắc Kinh chỉ nhắm riêng vào nước Việt Nam mình khi họ đi tìm các nguồn tài nguyên để khai thác. Trung Quốc đang cần công nghiệp hóa. Họ đi tới bất cứ nơi nào tìm quặng mỏ. Họ vừa bị hụt vụ mua 18% cổ phần trong công ty Rio Tinto ở Úc Châu, bắt người đứng đầu công ty Anh-Úc này ở bên Tầu, gán cho tội “gián điệp.” Ở Trung Ðông các nước Á Rập Hồi Giáo cũng chống Trung Quốc sau vụ đàn áp người Uyghur tại Tân Cương. Dân chúng những nước Trung Á cùng chung gốc Turk (Thổ) đã biểu tình chống Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh lo hối lộ chính quyền các nước này để mua dầu lửa và khí đốt. Dù ăn hối lộ, chính quyền các nước này cũng không dám đàn áp dân họ để bênh vực Thiên triều. Ở Algerie có những vụ tập kích đánh vào xe chở người Trung Quốc. Cũng vì vụ Tân Cương cả. Nhu cầu nguyên liệu và nhiên liệu khiến chính quyền Bắc Kinh phải tiếp tục bành trướng, khắp thế giới. Ðó sẽ là hiện tượng quan trọng nhất ở Á Châu trong thế kỷ 21, đặc biệt là trong vùng biển Ðông của nước ta.

Vì Ðông Nam Á vẫn là một trọng tâm của tham vọng bành trướng này. Chỉ vì lý do địa dư; đó là những nước láng giềng, nhỏ, còn yếu, và quyền lợi còn khác biệt nhau rất nhiều. Trong các nước ASEAN có nước dân chủ, có nước độc tài, có nước Phật Giáo, có nước Hồi Giáo, có nước độc tài Cộng Sản, có nước độc tài quân phiệt, có nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, có nước theo Thiên Chúa Giáo như Phi Luật Tân. Tình trạng này khiến ASEAN còn chưa thể liên kết chặt chẽ, và Bắc Kinh thì đã gõ cửa xin vào tham dự, đến năm nay Mỹ mới bước vô. Người Mỹ từng coi Tây Bán Cầu với những nước Châu Mỹ La tinh, là “sân sau” của họ, không muốn cường quốc nào đụng tới. Bây giờ Trung Quốc có thể cũng mong tới ngày cả miền biển Ðông Á và Ðông Nam Á trở thành “cái ao trước cửa” cho họ thả câu.

Ðứng về mặt đạo đức, chúng ta lên án tham vọng bá quyền này, của bất cứ quốc gia nào. Trên thực tế, bất cứ chính quyền độc tài một nước lớn nào cũng nuôi những tham vọng như vậy, và có khả năng khích động dân chúng ngả theo khuynh hướng đó. Thế kỷ trước, Nhật Bản đã làm như vậy. Ngay một Ðảng Cộng Sản nho nhỏ của các ông Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ cũng có thời muốn làm bá chủ toàn cõi Ðông Dương kia mà! Cho nên phải coi tham vọng bá quyền của Trung Quốc là một sự thật không thể tránh được, các nước Ðông Á phải đối phó chứ không thể chỉ lên án suông mà thôi.

Trong cuộc phỏng vấn của Nhật báo Người Việt, đăng ngày hôm qua, Giáo Sư Carl Thayer đã nói, “Có Hoa Kỳ hiện diện, Trung Quốc không thể múa gậy vườn hoang.” Ðúng như vậy. Các nước Ðông Nam Á đều mong nước Mỹ trở lại vùng này để tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Trung Quốc đã lập căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam (Thời Tây Hán gọi tên là Châu Nhai và Ðạm Nhĩ) với 6 hàng không mẫu hạm và 20 tầu ngầm nguyên tử. Chỉ có hạm đội Thứ Bẩy của Mỹ đáng vai đối thủ. Nhưng chúng ta đã có dư kinh nghiệm về cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Nước nào cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia của họ mà thôi. Người Việt Nam không thể trông nhờ vào ngoại lực. Muốn kháng cự được sức bành trướng của hơn một tỷ dânTrung Quốc thì người Việt phải lo lấy nước Việt chứ không thể trông cậy vào ai khác. Trong hai ngàn năm lịch sử tổ tiên chúng ta vẫn sống như vậy, bây giờ cũng không khác.

Nhưng dân tộc Việt Nam muốn đủ sức cự địch với sức bành trướng của Trung Quốc nếu chính quyền cũng chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc và toàn dân đoàn kết một lòng kháng cự. Hiện nay chúng ta không thấy những dấu hiệu đó. Ðiều đáng lo ngại đối với dân tộc Việt Nam bây giờ không phải là những đoàn quân Trung Quốc tiến qua biên giới như hồi năm 1979. Phương cách xâm lăng đó đã lỗi thời rồi, mà không cần thiết nữa. Ðiều lo lắng nhất là một kế hoạch “tàm thực,” (tầm ăn dâu), hay nói theo kiểu bà con trong nước, gọi là Diễn Biến Hòa Bình. Cộng Sản Trung Quốc không cần gây chiến với Việt Nam. Họ đang gậm nhấm nước Việt Nam từ từ, như đã gậm dần dần cho tới khi nuốt chửng đất đai của người Uyghur, người Mông Cổ, nước Ðại Lý, nước Tây Tạng.

Ngày hôm qua Nhật Báo Người Việt cũng đăng thiên phóng sự viết về chuyến đi thăm miền đất cực Ðông của nước ta, mũi Sa Vỉ, bờ biển Trà Cổ, thành phố Móng Cái, giáp giới Trung Hoa. Ký giả Thiên Thư viết tựa đề: “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê.” Ðó là “tám chữ vàng” mô tả một sự thật. Có những mảnh đất cho người Trung Quốc thuê 50 năm, còn dài hạn hơn nhiều nông dân Việt Nam chỉ được thuê đất 35 năm. Người Trung Quốc sang mở nhà hàng, khách sạn, sân Golf, và cả cờ bạc, đĩ điếm. Người Trung Quốc làm chủ, người Việt Nam làm thuê. Hai bên cùng có lợi. Các quan chức lợi nhất. Tổng cộng thành 20 chữ vàng, có thể coi là một chính sách, chủ trương lớn của đảng và nhà nước ... Trung Quốc!

Nếu chưa đọc, xin mời quý vị đọc lại thiên phóng sự này. Nhiều nhà báo trong nước đã kể chuyện và chụp hình những “làng Trung Quốc” ở Việt Nam, từ miền Bắc vào tới miền Trung và Cao nguyên. Nhưng ở thành phố Móng Cái, ở mũi Sa Vĩ, có những trung tâm thương mại Trung Quốc mà người Việt muốn xin việc làm phải nói hai thứ tiếng. Con cháu người Việt khôn ngoan ở đây sẽ biết rằng muốn có tương lai phải học tiếng Quảng hay tiếng Phổ thông. Tiếng đầu lòng con học nói có thể là “Nỉ Hào Ma?”. Người bạn ở Sài Gòn đang sợ công an Trung Quốc, anh vẫn tin tưởng rằng anh không cần sợ công an Việt Nam. Vì họ cũng là người Việt như mình cả. Niềm tin đó còn có cơ sở vững chắc hay không?

Nhiều người Việt ở Nam California đã nói đùa rằng có ngày Bắc Kinh sẽ đổi tên huyện Tam Sa thành Tứ Sa. Vì ngoài Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta, cộng với Tây Sa của họ, họ còn muốn có thêm chữ Sa thứ tư là Bôn Sa (Bolsa) nữa! Trung Quốc sẵn sàng đầu tư sang Bolsa mở nhà hàng, khách sạn, thương xá, cư xá cho người già, khu giải trí, vân vân; chỉ cần lúc nào cũng theo đúng 8 chữ vàng: “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê.”

Nhưng tầm ăn dâu ở Á Châu thì dễ, sang tới Mỹ sẽ khó hơn nhiều. Vì ngay người Hoa và người Việt gốc Hoa ở Mỹ cũng sợ Bắc Kinh xâm nhập. Cho nên dân Bolsa không cần lo. Nếu có một huyện Tứ Sa thì chắc chữ Sa thứ tư sẽ là mũi Sa Vĩ trong tỉnh Móng Cái. Ở Quảng Châu đã có bãi Sa Diện (Mặt Cát, sách thường in nhầm là Sa Ðiện), nay có thêm Sa Vĩ (Ðuôi Cát) nối với nhau như khẩu hiệu “núi liền núi, sông liền sông” từ 50, 60 năm trước!

Tám chữ vàng “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê” không nhất thiết chỉ áp dụng trong các khách sạn, nhà hàng. Tại sao không áp dụng (hợp tác chiến lược và toàn diện), ngay trong hoạt động của ngành công an hai nước? Người Trung Quốc có thể còn muốn áp dụng tám chữ vàng trong tất cả mọi phạm vi, từ trên xuống dưới, như công cuộc trị quốc và bình thiên hạ mà họ vẫn theo đuổi từ thời Tần Hán đến giờ. Trong tâm thức, họ có thể nghĩ đó là sứ mệnh ông Trời đã buộc dân Hán tộc phải thi hành! Người Việt Nam tất nhiên nghĩ khác, hai ngàn năm nay vẫn nghĩ ngược lại. Vậy người Việt Nam phải làm gì?

Ngô Nhân Dụng
*****
    Từ mũi Sa Vĩ nhìn về Móng Cái:
    Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê
Phóng sự của Thiên Thư

Ðã rong ruổi qua nhiều miền biên ải nhưng mỗi khi quay về Trà Cổ lòng cứ thắt lại. Dã tâm của phương Bắc cỏ cây nước Nam ngàn năm khắc cốt. Cha ông đã ngã xuống để rừng dương ôm chặt biển nước Nam, thây vạn người giữ từng tấc đất để giờ đây kẻ hèn nhát, luồn cúi dâng rẻ bờ thiêng đất tổ cho láng giềng tham lam.
Mũi Sa Vĩ vẫn là đất của Việt Nam, nhưng ...
Ðình Trà Cổ nằm khiêm tốn so với những công
trình của người Trung Quốc. (Hình: Thiên Thư)


Tôi về thăm Trà Cổ vào những ngày cuối Tháng Bảy dương lịch, khi cả nước tổ chức 'về nguồn', đại giỗ cho những người con đất Việt đã chiến đấu và hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Duy chỉ có vành đai biên giới phía Bắc này khói hương không được tỏa. Ba mươi năm qua những con người nằm xuống trong những cuộc chiến đấu với bọn xâm lược Trung Quốc không được ghi nhận, ở nghĩa trang, trên bia mộ, trong sách sử và truyền thông cả nước không được nhắc đến.

Có những quá khứ bị buộc phải bịt kín và lờ đi để phục vụ cho lợi ích hiện tại, nhưng tương lai sẽ như thế nào sau những gì đang diễn ra. Có thể lâu lâu tôi về đây mà ngây ngấy đâm lo, rồi nỗi lo của tôi cũng vơi đi theo nhịp sống hối hả của thị thành, nhưng những người dân miền biên ải thì đêm chẳng yên giấc, nỗi lo mất nước luôn thường trực như những gì buộc họ phải khắc cốt ghi tâm.

Ðứng từ mũi cực Đông Sa Vĩ phóng tầm mắt về phía Ðông Bắc có thể trông thấy cột mốc biên giới trên biển Việt-Trung, cứ vài phút lại thấy canô của lực lượng biên phòng phóng vút trên mặt sóng. Bên kia vùng biển của Trung Quốc, những cảng biển cầu tàu hiện đại và những công trình kiên cố trải dài trắng rực cả vành đai biên giới. Trên một hải phận có thể thu gọn vào tầm mắt này vẫn thường diễn ra xung đột, không ai khác chính người dân đã trực tiếp đấu tranh, phản kháng các vụ ngư dân Trung Quốc vi phạm chủ quyền, thả lưới quăng thuốc nổ trên hải phận của ta, hút cát dọc sông biên giới, xâm phạm ngư trường một cách táo tợn dù lực lượng biên phòng hai nước tuần tra 24/24.

Một ông lão ở làng chài nhìn thời vận mà thốt lên, “Danh nghĩa là đất của mình nhưng Trung Quốc đã thuê trong 50 năm tới, không chỉ Trà Cổ, Móng Cái, mà cả cái tỉnh Quảng Ninh này, từ cái sân golf, khách sạn, các khu trung tâm mua sắm, quảng trường, cho đến cái quán ăn vỉa hè đều có chủ là người Trung Quốc. Sống trên đất Việt nhưng người Việt chỉ là kẻ làm thuê lại phải tiêu dùng mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc thì có đau không, có lo không?”

Mũi Sa Vĩ-Trà Cổ vẫn là của ta nhưng chuyện gì đang xảy ra nơi đây?

Vành đai biên giới Việt-Trung.
(Hình: Thiên Thư)
Ngày trước, đứng từ mũi Sa Vĩ địa đầu phía Ðông của Tổ quốc có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của bờ biển Trà Cổ cong và dài 17 cây số được mệnh danh là thơ mộng nhất Việt Nam. Nhưng bây giờ nhìn từ bức phù điêu Trà Cổ chỉ là một bãi lầy xộc xệch, bờ biển bị băm nát, rào kín bởi các dự án của Trung Quốc, có chăng chỉ là hai cây đa do ông Trần Ðức Lương (cựu chủ tịch nước) và Nguyễn Tấn Dũng (đương kim thủ tướng) trồng, nó ốm yếu trước gió biển Ðông Bắc thổi vào. Gần đó là bức phù điêu hình 3 ngọn phi lao ghi câu thơ “Từ Trà Cổ đến rừng dương đến Cà Mau rừng đước ...” của Tố Hữu mà nhiều ý kiến cho rằng ở vị trí này nên khắc bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, đó mới là khí phách của dân tộc Việt Nam.

Bạc nhược thay! Án ngữ mũi Sa Vĩ ngày nay là sân golf 18 lỗ bành trướng của Trung Quốc. Ðể lấy đất làm sân golf này, người ta đã cho di dời cả ngôi miếu thờ thần hoàng làng, rồi bứng cả đồn biên phòng nằm sát mép biển vào sâu trong bờ. Bao quanh sân golf là rừng phi lao cao kín, lớp ngoài là dây kẽm gai che chắn mọi sự tò mò từ bên ngoài.

Sân golf án ngữ, khách sạn bao vây đã khiến làng chài Trà Cổ thay đổi đi nhiều. Giờ đây làng chài đã hoang vắng, ngư phủ đã thôi ra khơi, một số chuyển sang nghề nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm nhưng từ khi sân golf hoạt động khách sản mọc lên như nấm mùa mưa thì cá tôm mỗi năm mỗi thất, môi trường càng ô nhiễm, vì nước thải từ sân golf và khách sạn đều được tuồn thẳng ra biển, bà con đã phản ánh nhiều nhưng chẳng cơ quan nào đứng ra cứu giúp. Có chăng chỉ là biên bản kết luận nước thải từ sân golf quốc tế Móng Cái đạt tiêu chuẩn và được Sở Khoa Học-Công Nghệ Quảng Ninh cho phép thải trực tiếp ra biển. Cũng xin nói thêm, từ Vịnh Hạ Long đến Trà Cổ, tất cả các khách sạn lớn ven biển, hầu hết có vốn đầu tư của Trung Quốc, đều được phép đặt ống nước thải đổ trực tiếp ra biển, cạnh đó thì khách du lịch vẫn bơi tắm hồn nhiên, với kiểu làm du lịch này thì quá vô nhân đạo với một kỳ quan thế giới.

Trong khi đó, phía Việt Nam đã cho phép phía Trung Quốc đầu tư xây dựng thêm một số cơ sở hạ tầng như khách sạn 5 sao, gắn kết với hoạt động của sân golf đã có, bờ biển Trà Cổ đang và sẽ tiếp tục được quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư Trung Quốc vào khai thác. Những gì cha ông để lại, đã phải đánh đổi bằng xương máu để gìn giữ thế mà tại sao người ta lại nỡ đối xử với Sa Vĩ như thế?!

Từ mũi Sa Vĩ theo con đường nhựa đến mái đình Trà Cổ, hai bên đường đã thay đổi nhiều, nhà cao tầng, khách sạn nhà trọ mọc lên nhiều, nhưng vẫn thấp thoáng những cụ già ngồi vá lưới trong những căn nhà ọp ẹp buồn đến cay mắt. Trà Cổ đã thay đổi rất nhiều nhưng ngôi đình Trà Cổ là vẫn thế gần 600 năm qua. Nếu đình Trà Cổ là báu vật là cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa của Việt Nam tại vùng biên ải này thì người dân Trà Cổ sống làm người nước Nam, có chết vẫn “thẳng người” làm ma nước Nam như một bô lão trong làng đã khẳng định.

Tôi vào đình thắp nhang rồi cùng lũ trẻ xem bài chòi, những câu ca dao, những hồi mõ dài vang lên mỗi khi có chòi nào “tới” khiến tim tôi rung lên, những đôi mắt ánh lên nụ cười, đó là thứ tình yêu thiêng liêng tôi tìm thấy nơi đây của người Trà Cổ...

Thành phố Móng Cái ngày nay

Quảng trường Hòa Bình ở thành phố Móng Cái
do người Trung Quốc làm chủ. Hình: Thiên Thư
Rời Vịnh Hạ Long trong cơn mưa chiều lất phất, dự tính sẽ đến Móng Cái sau 4 giờ ngồi xe nhưng kẹt xe và đường xấu khiến hành trình gian nan này kéo dài gần 6 tiếng. Ðoạn đường này có lẽ không dành cho những người yếu tim. Ðường đến Móng Cái đã xuống cấp trầm trọng do những chiếc xe container tải hàng từ Trung Quốc về đã ngày đêm cày xới con đường này không thương tiếc. Con đường đèo vốn hẹp và nhiều cua gắt liên tục nhưng các các bác container xứ này chẳng ai nhường ai, đua, vượt hơn cả trên phim hành động. Nguy hiểm rình rập nhưng dân 3 miền vẫn rủ nhau về Móng Cái như trẩy hội, kẻ không ruộng nương tha phương lên đây làm cửu vạn, người có vốn lên đây đánh hàng đi buôn.

Xứ biên ải này không phải là nơi dễ kiếm tiền như người ta nghĩ. Làm cửu vạn hay đứng bán hàng thuê cho chủ Trung Quốc cũng chẳng đơn giản chút nào. Ðồng tiền kiếm được nơi đây là đồng tiền mồ hôi và máu. Thế nhưng, người ta vẫn bỏ quê ra đây kiếm tiền, theo họ dù vất vả thay vì ở quê đói hả họng. Có người để vợ, để chồng, có gia đình dắt díu nhau mướn nhà thuê tạm bợ, rồi cũng qua ngày. Người ta chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu cửu vạn ở đất Móng Cái với gần 10 cái chợ và trung tâm mua sắm này. Sáng mắt ra đã thấy họ khuân vác những núi hàng hóa như diễn xiếc. Chiều về cả nhà loay hoay với miếng thịt mỡ ăn quẹt ba ngày vẫn còn, ốm gục cả người nhưng vẫn cày khỏe như trâu. Thế mà bọn chủ người Tàu nói với tôi rằng chúng không thích mướn lao động người Việt vì người Việt lười hơn người của nó, nó chỉ cho thấy cái quảng trường Hòa Bình gần cửa khẩu được phía nó xây dựng với tốc độ nhanh chóng mặt, lao động của nó làm việc cật lực mà chi phí lại thấp hơn người Việt.

Ðỡ vất vả hơn cửu vạn có lẽ là những người bán hàng thuê cho chủ người Tàu ở chợ Trung Tâm Móng Cái. Chợ này chỉ họp từ 8 giờ sáng đến 12 giờ là đóng cửa vì chủ người Tàu phải về bên kia. Trung bình mỗi tháng tiền lương của người bán hàng là một triệu đến một triệu hai, nhưng đòi hỏi phải biết tiếng Tàu, nhanh lẹ, vui vẻ, khôn khéo. Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng những người bán hàng thuê thường kiếm thêm một công việc nữa làm thêm vào buổi chiều nếu muốn tồn tại ở đất này.

Ðêm xuống, trên phố chỉ còn lại những người bán hàng rong, du khách và người có tiền, còn những người lao động nghèo đã sập cửa trọ ngủ sớm để sáng mai dậy sớm đi cõng hàng trên lưng. Chợ đêm Móng Cái đông vui náo nhiệt với những gian hàng quần áo, giày dép, hàng lưu niệm giá rẻ, cạnh đó là khu ẩm thực với các món ăn kiểu Tàu, nào là rau muống nướng, nào là xì dầu và ngập đầy tỏi sống trên bàn ăn. Cũng thật lạ, hầu hết chủ các quán ăn, nhà hàng ở thành phố này đều là người Tàu, còn phục vụ là người Việt. Ở các quán nhậu ở chợ đêm thường tập trung thanh niên choai choai người Việt, ăn nhậu no say, rồi phóng xe bạt mạng không nón bảo hiểm, thỉnh thoảng chúng dừng lại đánh lộn, đâm chém, gái bán hoa giành khách cũng đấu đả khiếp rợn.

Không thể không nhắc đến những người Việt giàu có ở mảnh đất này, nhìn những chiếc Mẹc, Audi, Lexus, BMW đời mới lướt như mắc cửi quẩn quanh thành phố cũng đủ biết họ ăn nên làm như thế nào, biệt thự mọc lên như nấm, người ta đua nhau đầu tư quy hoạch các khu biệt thự vườn. Nhưng ở vùng biên ải này tiền kiếm được đa phần là từ buôn hàng lậu và buôn tiền và từ tiền mà ra đôi khi đi tù, ăn đạn cũng do tiền.

Ở các quán ăn, nhà hàng sang trọng thì càng vắng bóng người Việt, nếu có thì cũng là tay chủ lớn, luôn cặp kè cùng các cô bé chưa quá hai mươi. Các cô xinh chẳng kém gì mấy em “chân dài” Hà Thành, cũng thanh lịch, cũng sành điệu, cũng điêu ngoa và giang hồ bậc nhất. Trà Tàu và tỏi là những thứ thường trực trên bàn ăn, còn nước mắm thì chẳng bao giờ xuất hiện nơi đây, nó gần như bị xóa sổ khỏi khẩu vị của người Việt ở Móng Cái, ngay cái thứ nước chấm của món gỏi cuốn khá ngon trong chợ Móng Cái cũng được người ta đặc chế công phu từ nước muối để thay nước mắm. Trên bàn, khi ăn những chủ người Tàu ăn-nói-nhìn luôn nhịp nhàng khéo léo hơn chủ Việt, chốc chốc những cô gái Việt phục vụ bàn được mời cốc bia phải vặn vẹo thụt lùi trước bàn tay sờ mó của những gã đàn ông Tàu trong sự thờ ơ thỉnh thoảng tán thưởng của chủ nhà hàng người Tàu. Hết bàn này đến bàn khác, công việc bưng bê thức ăn của những cô gái này đôi khi cũng lắm tủi nhục nhưng phải luôn miệng cười tươi chào hỏi bằng đôi thứ tiếng.

Những ngày này việc một đại gia người Việt khét tiếng giàu có và ăn chơi ở xứ Móng Cái bị công an bắt đã trở thành đề tài trên bàn ăn. Rồi tin những người buôn tiền người Việt bị bắt ở Ðông Hưng cũng gây rúng động giới đổi tiền. Những tin tức phiền toái lại được dẹp qua, thay vào đó các chủ làm ăn bàn tính việc sẽ chọn lô nào trong khu thương mại Móng Cái Plaza đồn rằng của con trai ông Trần Ðức Lương sắp khánh thành sau một thời gian gián đoạn do kinh tế suy thoái. Có gì tốt xấu người ta cứ phơi ra trên bàn ăn vừa có bia hiệu vừa có trà Tàu nghi ngút khói. Còn tôi, chẳng ăn được gì vì nhà hàng không có nước mắm nhưng lại dậy mùi tỏi sống, cũng chẳng quen uống trà nóng thế là loay hoay tính tiền bước ra phố tìm một quán ăn còn gốc Việt, dù nó nằm hút trong con đường nhỏ.

Sau chiến tranh biên giới Tháng Hai năm 1979, thị trấn Móng Cái bị tàn phá nặng nề, mãi đến năm 1991, sau khi quan hệ Việt-Trung trở lại bình thường thị sự trao đổi buôn bán qua lại cửa khẩu Bắc Luân ngày càng tăng lên. Thành phố Móng Cái được thành lập ngày 25 Tháng Chín năm 2008 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Móng Cái cũ.

Móng Cái cũng như nhiều thành phố vùng giáp biên khác, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí được đầu tư bởi các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc. Một trong 2 khu giải trí, kinh doanh lớn nhất thành phố trẻ Móng Cái là của của công ty Hồng Vận và công ty liên doanh Hải Ninh-Lợi Lai. Như nhiều nhà đầu tư Trung Quốc khác, 2 công ty này được thuê đất 50 năm với nhiều loại hình kinh doanh như sòng bạc, khách sạn, sàn nhảy, dịch vụ, mua sắm hàng hiệu (nhái), cửa hàng đồ ăn Trung Quốc. Cuối tuần, khách du lịch từ Trung Quốc, Hongkong, Ðài Loan đến Móng Cái nghỉ ngơi rất đông, các nhà hàng, khách sạn cho đến sân golf dường như hoạt động hết công suất. Tất cả tiền đều chảy vào túi chủ Trung Quốc, chẳng có thứ gì của Việt Nam được tiêu dùng, trừ những người phục vụ luôn là người Việt Nam biết hai thứ tiếng.

Riêng với Trung Tâm Thương Mại Hồng Vận hiện nay đã bị phía Việt Nam đóng cửa, đình chỉ thi công và hoạt động mà lý do thì bị bịt kín. Ðược biết đây là vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, trong thời gian thi công tại Trung Tâm Thương Mại Hồng Vận này phía Trung Quốc đã cho đào đường hầm thông qua biên giới, may mắn là phía Việt Nam kịp thời phát hiện, chẳng ai biết Trung Quốc đã đào đến đâu, Việt Nam xử lý làm sao với cái đường hầm và nghĩ sao về tình bạn hữu nghị Việt-Trung. Vậy mà người ta vẫn không run tay ký quyết định cho phép các dự án của Trung Quốc đóng chiếm các vị trí quan trọng của quốc gia.

Phóng sự của Thiên Thư

No comments:

Post a Comment