Saturday, July 4, 2009

Phiếm: Tôi là người Việt Nam! - Vũ Hoài Nam

Vũ Hoài Nam

Chương trình tạp kỷ “Paris by night 96” của Thúy Nga Paris vừa mới ra, gia đình tôi đã mua về coi. Lần này gia đình tôi còn tiếp gia đình ông anh trai, có đứa con trai 9 tuổi. Lúc đó tất cả mọi người trong gia đình đều xem. Ông Nguyễn Ngọc Ngạn, người dẫn chương trình giới thiệu mình “Tôi là người Canada ...”, và nhân danh người Canada chúc người Mỹ có một Tổng thống da đen đầu tiên, ông tin chắc rằng trong tương lai sẽ có một Tổng thống người Việt. Bình thường tôi cũng không để ý cho lắm chuyện này, vì đây không phải là lần đầu ông Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu mình là người Canada, song đứa cháu tôi hỏi tôi một câu rất ngây thơ rằng: “Chú ơi, người Việt Nam mình cũng là người Canada hả chú?”. Quả là lúc đó tôi rất “bí” không biết nên trả lời cháu ra sao, cháu nghĩ đơn giản là người Việt thì trông không giống “tây” và nói tiếng Việt. Tôi đành trả lời, người Việt mình ở khắp nơi, như Canada này, Mỹ này,... và ở đâu ta tạm gọi mình là người nước đó còn thực ra mình vẫn là người Việt Nam cháu ạ. Sau đó tôi cảm thấy rất băn khoăn về những thế hệ sau này của tôi sẽ lớn lên và sinh trưởng ở nước ngoài, liệu chúng nó có nhớ đến tổ tiên, đến cội nguồn của dân tộc Lạc Hồng chăng? Với tôi thì cuộc sống ở nơi đất khách có đầy đủ hơn về vật chất song lúc nào cũng đau đau một nỗi niềm nhớ quê và luôn mong mỏi con cháu tôi sau này sẽ biết và nhớ đến đất nước Việt Nam, nơi cội nguồn của cha ông mình. Tôi vẫn nhớ chương trình “Paris by night 59” với chủ đề “Cây đa bến cũ”, trong đó có lời dẫn chương trình đậm chất dân tộc mà ông Ngạn là người dẫn chương trình, tôi xin dẫn ra ở đây:

“Cây đa cũ, bến đò xưa,
Người đi có nghĩa, nắng mưa cũng chờ..

Mỗi khi nhắc đến bến cũ, người ta thấy bồi hồi, rung động như bất chợt sống lại với những luyến nhớ man mác của ngày tháng cũ, của bóng hình xưa. Bến cũ trong không gian có khi không còn nữa, nhưng bến cũ trong lòng người thì lúc nào cũng hằn sâu dấu tích một mái nhà xưa, một mảnh tình khuất, một ngôi trường tuổi thơ, một bóng dáng thấp thoáng bên hàng xóm.Tất cả đều là những bến cũ thân thiết mà chúng ta cưu mang ở phương trời xa, làm ấm lòng mỗi khi nhớ tới, làm bâng khuâng mỗi lúc hồi tưởng ...”

Tôi rất cảm động khi nghe những lời tâm sự như thế này, nó như là một niềm an ủi cho đứa con xa nhà, như tôi và rất nhiều bà con người Việt mình phải vất vả bôn ba nơi xứ người. Thế mà nhoáng cái ông Ngạn đã quên mất cây đa bến cũ, mà ôm lấy Toronto với tòa tháp CN, với khu chợ St Lawrence của Canada làm quê hương cho mình. Phải chăng lời dẫn năm nào là do ông học thuộc lòng rồi đọc vẹt?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn là một nhà văn, cho dù tôi chưa có dịp tìm hiểu các tác phẩm của ông (nghe nói phần lớn là truyện ma, kinh dị, đó không phải là gu của tôi), tôi chắc hẳn ông hiểu rất rõ mình là ai, mình ở đâu, những câu hỏi căn bản của triết học này. Tôi biết, để nói được câu đó, trong tay ông đã có cái quốc tịch Canada, nhưng chưa chắc ông đã hiểu ông thuộc chủng Mogoloid, là người Việt Nam mũi tẹt da vàng, có nghĩa là về giấy tờ thì ông là người Canada thật, nhưng xét về nguồn gốc thì ông là người Việt Nam. Nếu ông Ngạn muốn thành người Canada cho “thật hơn” thì theo tôi ông ta nên đi phẫu thuật cho hình dạng và màu da của mình khác đi cho giống với chủng Europid (giống như Michael Jackson đổi từ da đen thành da trắng ấy), và rồi nói tiếng Anh hay tiếng Pháp thôi, thứ tiếng quốc ngữ ấy, ăn uống thì nên kiêng mắm muối dưa cà, bỏ cơm thay bánh mì, bỏ bún phở thay súp cừu thì mới giống “người Canada” hơn. Tôi vẫn biết những nước như Mỹ, Úc, Canada..là những nơi đa sắc tộc, là nơi nhập cư của nhiều nơi trên thế giới, nhưng về mặt nhân chủng học thì mỗi nơi có một chủng người riêng chiếm đa phần, ví dụ như Mỹ, nơi cội nguồn của chủng Amerindian nhưng sau khi người Âu châu phát hiện ra cho đến nay thì chủng tộc Europid và một phần Negroid (từ Phi châu) chiếm đa phần, còn người châu Á chỉ chiếm một con số nhỏ. Xét cho cùng thì cho dù chúng ta nói tiếng nước họ, có được đi làm, có quyền bầu cử nọ kia..thì chúng ta vẫn là một con thú lạc loài, vẫn chịu cái nhìn phân biệt của những người da trắng cực đoan. Tôi xin đảm bảo với các bạn rằng không phải người da trắng nào cũng nhìn người da vàng với cái nhìn công bằng đâu, cho dù bạn có gào lên hàng ngàn lần rằng bạn cũng mang cùng một quốc tịch với họ. Ở Canada và các nước khác tôi không rõ nhưng ở Mỹ, một đất nước được tiếng là bình đẳng và dân chủ, mọi người đều như nhau. Nhưng nếu ta để ý sẽ thấy một chuyện là, để nhập tịch vào được Mỹ bạn sẽ phải kê khai hàng đống giấy tờ, và một thông tin nhỏ mà bạn phải cung cấp đó là bạn thuộc chủng tộc nào, ở đó sẽ liệt ra: Da trắng (white), Châu Á (Asian), Black … Đã là bình đẳng như nhau cả thì khai cái đó để làm gì. Tất nhiên Sở Di trú Mỹ không lấy thông tin đó để chơi, mà để thống kê, để biết được ở Mỹ có những chủng tộc nào ít nhiều, chủng nào có tỉ lệ phạm tội lớn, chủng nào đóng góp cho nước Mỹ nhiều, vân vân, để từ đó mà liều liệu chính sách nhập cư.

Tôi xin hầu các bạn một chuyện nhỏ thế này. Ông anh bạn tôi là chủ của rất nhiều cửa hàng ăn ở downtown, đều là những fine restaurant, và anh ta thuê người làm toàn là Mỹ trắng, chỉ mỗi nhà bếp là của người Việt. Việc làm ăn cũng khá song anh ta không lúc nào yên tâm về mấy cửa hàng đó vì những người làm ở đó từ tay quản lý, tay bartender cho đến những người chạy bàn đều là người Mỹ trắng, họ làm thường là không theo ý của anh, anh có lần tâm sự với tôi vì rằng thấy mình là người Việt, lại trông nhỏ con nên họ thường có ý vượt mặt, bất tuân lệnh, thậm chí còn bắt bẻ nữa, anh đã thử đuổi người và tìm người khác song mọi chuyện vẫn chẳng khá hơn. Hẳn là các bạn sẽ hỏi tại sao anh ấy không tìm thuê người Việt, vì rằng người Việt mình thì trí thức thì làm việc ở vị trí cao rồi, còn các việc phổ thông thế thì rất khó tìm được người giỏi và chuyên nghiệp, mà không chuyên nghiệp thì không làm sao làm ở những nhà hàng như thế được, sẽ mất khách và sập tiệm ngay.

Với tôi, việc có rất nhiều người như ông Ngạn phủ nhận nguồn gốc, chối bỏ quê hương không làm tôi quan tâm, chỉ có điều tôi không muốn làm chúng ảnh hưởng đến tầng lớp con cháu, thế hệ sau này của tôi. Chương trình Paris by night là một chương trình lớn, thu hút rất đông đảo khán giả, và những gì mà MC nói sẽ có ảnh hưởng ít nhiều (nói chính xác thì là khá nhiều) đến khán thính giả. Và người MC phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói. Nói sai nói hớ chỉ làm người khác cười, nhưng đụng chạm đến quan điểm của một tầng lớp thì lại là chuyện khác.Nếu tôi nhớ không nhầm thì đã có lần ông Ngạn phải xin lỗi người Mỹ da đen vì trong một cuốn Paris by night ông đã nói họ là “Mỹ đen”, một từ mang nghĩa miệt thị, không ngờ trong khán giả có người là Mỹ gốc Phi và họ đã lên tiếng phê phán. Tôi cũng bỏ qua không quan tâm gì đến những tư tưởng chính trị được lồng ghép trong các chương trình như thế này của Thúy Nga và ngay cả Asia hay Vân Sơn. Song câu nói phủ nhận nguồn gốc được day đi day lại của ông Ngạn có thể ảnh hưởng không tốt với nhiều người nên tôi mới mạo muội viết bài này.

Cũng thật trớ trêu thay, ngay sau đó một bài thì đến phần trình diễn của một thanh niên trẻ người Úc gốc Việt là Thanh Bùi, được xếp thứ 8 trong Autralian Idol, chàng thanh niên này nói “Tuy tôi sinh ra ở Úc nhưng tôi vẫn là người Việt”. Thế là một người từng sinh ra ở Việt Nam, đã từng sống một thời tuổi trẻ ở Việt Nam, khi đã ra khỏi Việt Nam nhận là người Canada, còn một người trẻ đời F2, sinh ra ở nước ngoài thì vẫn nói thạo tiếng Việt, và luôn nhận mình là người Việt. Tôi chợt nghĩ, có thể ông Ngạn không nhận mình là người Việt vì ông chối bỏ cái chính quyền Cộng sản đương thời ở Việt Nam, nhưng nếu quả như vậy thì ông Ngạn là một người rất cạn nghĩ. Chính quyền nào đi chăng nữa cũng chỉ là nhất thời, đất nước và hồn thiêng sông núi mới là cái gốc, “cóc chết ba năm quay đầu về núi”, chẳng lẽ ông Ngạn hay như bao người ra đi và vĩnh viễn không bao giờ quay lại đất nước hay sao? Có thể có những người như thế, song riêng tôi thì tôi không chấp nhận, và tôi sẽ không để những kẻ đó làm ảnh hưởng tới những người có cùng quan điểm như tôi.

Tôi xin nhắc lại câu thơ đã được phổ nhạc của nhà thơ Đỗ Trung Quân thay cho lời kết:

“Quê hương nếu ai không nhớ.
Sẽ không lớn nổi thành người.”

Cảm ơn các vị đã góp ý trong bài “Tôi là người Việt Nam“, tôi đoán trong các vị có cả người nước ngoài, song tiếng Việt sõi quá nên tôi không được biết ai ra ai, cũng xin các vị thể tất cho, chuyện người Việt chúng tôi nhiêu khê lắm. Vì có nhiều ý kiến nên tôi xin viết thêm một bài gọi là đáp tạ. Xin các vị hiểu cho, tôi không nêu cao ngọn cờ tự tôn dân tộc, cũng không có ý thuyết phục người khác lòng yêu nước, nhớ về cội nguồn, vì việc đó là quá tầm của tôi và thêm nữa nó là ở cái tâm của mỗi cá nhân. Ở đây tôi chỉ dám nói lên cái không hay có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Cái nực cười ẩn trong câu nói của ông Ngạn cho đến nay tôi thấy duy có một người bên X-café nhận thấy. Ông Ngạn nhân danh người Canada chúc mừng nước Mỹ có một Tổng thổng da đen, và “tin chắc rằng trong tương lai sẽ có một Tổng thống gốc Việt.” Ông đã là người Canada rồi, nước Canada cưu mang ông thì ông nên tin rằng có người..Canada sẽ là Tổng thống Mỹ chứ sao lại tự dưng tin rằng người Việt sẽ là Tổng thống. Nói như một vị thì ông Ngạn nếu nói “Tôi là người Canada gốc Việt” thì dài dòng thật, nhưng để chúc nước Mỹ có Tổng thống người Việt nghe rất nghịch nhĩ, người Canada chúc Mỹ có Tổng thống gốc Việt, chẳng lẽ không vị nào ngẫm ra chăng? Lẽ ra ông Ngạn nên dài dòng một chút thì đỡ hài hước hơn, Tôi là người Canada gốc Việt, tôi tin là nước Mỹ sẽ có một Tổng thống gốc Việt.

Trong một đại hý trường hàng ngàn người, ống kính máy quay đã quét toàn bộ đại hý trường, và tôi chỉ nhìn thấy toàn đầu đen, pha chút highlight, chứ có thấy tóc vàng hay bạch kim đâu, có nghĩa là phần lớn là người Việt Nam, hay nói chính xác hơn là toàn là người gốc Việt cả đấy chứ, chưa kể bao nhiêu khán thính giả người Việt trên khắp các châu lục (người nước ngoài có được mấy phần trăm là khán giả của các chương trình tạp kỹ của người Việt mình đâu, không hiểu tiếng thì xem hát, nghe hài kịch ra làm sao, còn coi vũ đạo thì không phải mất công đến thế chứ). Tôi thật không hiểu sao ông Ngạn cứ “Tôi là người Canada!”, kể ra nói một lần duy nhất thì cũng có gì đâu, nhưng ông nhắc rất nhiều lần trong các cuốn “Paris by night” trước, khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Toàn người..”nói tiếng Việt” cả với nhau, ông Ngạn việc gì phải khẳng định mình là người Canada, nghe thật kỳ khôi. Ở Canada dùng 2 thứ quốc ngữ là tiếng Anh và Pháp, thế thì là người Canada phải nên nói “I am canadian!” hay “Je suis canadien!” mới hợp nhẽ. Nói với người Việt như chúng tôi thì ích gì, hay là ông ta sợ là nhìn ông người ta đoán ngay ra là người Việt, người Miên, người Hán nên mới phải nói như thế.

Theo quan cách nhìn của một vị, có nhiều người Việt ra hải ngoại, lái xe, hay làm những việc ẩu tả rồi mạo xưng là người Nhật, Hàn, Đài, và cũng chẳng nên trách họ. Vì tôi chắc chắn đây là cái ý tưởng rất ngây thơ. Tôi không có ý trách họ, làm gì có ai có quyền trách người khác những chuyện như thế. Nhưng ta hãy thử nghĩ xem, làm như vậy có nên không, anh ta mạo xưng như vậy là do đâu, vì anh ta không muốn hình ảnh Việt Nam bị xấu đi chăng, hay anh ta xấu hổ không muốn là người Việt, anh ta vẫy vùng để trốn khỏi cái chữ Việt đóng trên trán? Dù gì đi nữa, anh ta chỉ dám mạo xưng một cách chộp giật thôi chứ, về lâu dài anh có giấu được đâu, rồi cảnh sát người ta cũng phải có hồ sơ, gốc gác của anh sao giấu nổi không. Tôi nghĩ nếu có ai căm ghét và muốn chối bỏ gốc Việt thì cũng nên dặn dò đời cháu hay đời chắt cho chắc rồi mới nên tự hào nói tôi là người XYZ. Cái “bản sắc” nhiều khi là cái cố hữu, thâm căn cố đế, việc phủ nhận nó không phải một sáng một chiều, cũng không phải cứ có tờ giấy công nhận anh là người XYZ mà làm được ngay, nó phải được tính bằng hàng thế hệ. Tuy nhiên cũng có nhiều người hoặc cố tình hoặc ngây thơ, hoặc nghĩ rằng thế giới đại đồng rồi nên không biết và hiểu điều này.

Cũng cần nói thêm là việc “nhập nhèm đánh lận quân đen” như thế không phải lúc nào cũng thành công, nhận là người Hán, người Lào, Capuchia thì có vẻ có xác xuất cao, chứ nhận là người Hàn thì hơi khó, nhất là anh nhận là người Nhật thì càng khó hơn, xin các vị cứ tùy nghi mà nghĩ cái nguyên do của nó. Và như thế vô tình anh ta đã mang lại chút hình ảnh Việt Nam ẩu tả, lại thêm dối trá.Tôi không lấy làm vui vì quả là người Việt mình có nhiều cái xấu, song ai cũng nghĩ cái bức tranh đã bị vấy bẩn thì thêm vài nét ngang dọc nữa cũng chẳng sao thì mới thật đáng trách. Công bằng mà nói, không phải người da trắng nào cũng xuề xòa quy hết người Á châu giống nhau cả đâu, có những cặp mắt rất tinh tường đấy, chưa kể có những người nghiên cứu văn hóa Á châu, có người nói với tôi cứ để ý sẽ thấy người Nhật rất lịch thiệp, người Trung Quốc hay nhổ bọt bậy và nói như bắn súng, hay đại loại có những đặc điểm như vậy. Chúng ta là người Việt, một nước có bản sắc văn hóa rất “đậm đà”, nên khó tránh bị “lộ tẩy” lắm. Câu nói “Tôi là người XYZ!” cũng có nhiều chuyện đáng để bàn, tôi xin kể một chuyện như thế này, một anh kia lần hồi sang Mỹ, cũng khá thành công ở Mỹ, có được quốc tịch Mỹ anh về thăm nhà. Cha anh ta là một người thủ cựu, khá nghiêm khắc, thấy anh ta đi chơi đêm, lại hút thuốc nhiều quá ông đâm bực rồi quát mắng và định đánh anh ta như hồi nhỏ, anh chàng người Mỹ này mới cáu tiết mắng bố rằng tôi là người Mỹ, ông định vi phạm nhân quyền đấy phỏng, lơ mơ tôi cho ra tòa bây giờ. Xin các vị đừng cười đây là chuyện bịa, nó có thật, nếu các vị không tin thì ít nhất cũng xin nghĩ đến cái tính hợp lý của câu chuyện.

Có vị cho là tôi chụp mũ ông Ngạn, hay là tôi đổ lỗi cho ông Ngạn việc con cháu tôi không còn nhớ đến gốc tích Việt Nam nữa, tôi rất lấy làm tiếc về sự hiểu nhầm này. Mong muốn của tôi ở bài trước là không muốn những câu nói, những hình ảnh như “Tôi là người Canada!” có mặt quá nhiều trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tuy rằng ông Ngạn nói rất hợp lý, rất đúng luật. Nếu mà ông Ngạn quả có ý “góp phần đã giáo dục con em ông Nam và nhiều gia đình người Việt lưu vong khác không ít về hình bóng quê nhà phần nào đã mờ nhạt hoặc chưa có trong tâm hồn các em.” Như ông Hà Minh nói thì ông Ngạn không nên nhắc đi nhắc lại câu nói như vậy trong những chương trình đó rằng “Tôi là người Canada!”

Trong bài trước, tôi chưa nói từ nào về sự “tự hào” của tôi về việc tôi là người Việt, thế mà tôi cũng bị chụp cho cái mũ “tự hào” ấy. Người Việt ta có nhiều nết xấu, đã có không biết bao nhiêu sách vở đã tự vạch áo rồi. Làm sao tôi lấy cái đó làm tự hào, trái lại, nghĩ đến cái đó còn làm tôi thấy tủi thân. Làm sao có thể tự hào được khi dân tôi còn nghèo, còn lạc hậu, còn kém văn minh, chính phủ tôi tham nhũng thuộc hàng top ten thế giới. Song tôi không muốn bị người nào quy chụp rằng Việt Nam toàn những thằng ăn cắp vặt, toàn bọn học dốt chuyên quay cóp, toàn kẻ lái xe ẩu..Tôi sẽ không để cho ai đó gom tất cả vào một nắm như vậy. Nếu có điều kiện tôi sẽ chứng minh cho họ thấy. Và không vì những tật xấu của người mình mà tôi không nhận mình là người Việt Nam, bạn bè người nước ngoài tôi có rất nhiều, và họ biết rõ điều này (tất nhiên họ biết rõ tôi có quốc tịch như họ rồi). Có nhiều người ngỏ ý muốn có cơ hội về Việt Nam cùng tôi để thăm Việt Nam. Lúc đó tôi thấy tự hào chứ, vì ít nhất một cá nhân tôi đã làm cho hơn một người có ấn tượng tốt về Việt Nam. Tất nhiên việc đó cũng không dễ dàng chút nào. Nhận mình là công dân hạng nhất bằng giấy tờ thì dễ hơn là nhận mình là công dân của xứ nhược tiểu, nhìn thấy cái xấu, nói về tật xấu thì dễ hơn là cải thiện nó, xấu hổ tự ti thì dễ phát hơn là suy nghĩ tích cực.

Cũng có rất nhiều người sau khi qua nước ngoài, họ bảo lãnh cho cha mẹ sang và rồi đoạn tuyệt với đất nước, họ nghĩ đất nước là nơi có cha mẹ mình, ở đâu có cha mẹ thì ở đó là đất nước, là quê hương. Họ cũng nghĩ ở nước ngoài chẳng có cái gì là không có, muốn bánh cuốn , phở, bánh tét.. thì chẳng có gì ở nước ngoài là không có. Quan niệm đó không phải là sai, nhưng theo tôi nó chưa đủ, đất nước, quê hương xứ sở còn là nơi ông bà tổ tiên tôi sinh ra và trưởng thành, là nơi ông bà tổ tiên tôi đã từng vất vả, lam lũ nuôi dưỡng con cháu, để duy trì giống nòi. Và đúng gốc gác không hẳn là ở màu da, màu tóc, hay độ cao của sống mũi, nó còn là ở cái hồn, cái thần thái nữa. Các món ăn, gánh hàng rong, lời mời, tiếng chào, những phong tục, tập quán.. tất cả nằm trọn trong cái hồn thiêng của sông núi. Và cho dù đi đâu tôi cũng không bao giờ mang được quê hương theo một cách trọn vẹn.

Thì ra câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân phải có sự đóng góp của người khác nữa, tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Nhưng dù sao nó là sự kết hợp hài hòa đấy chứ!? Vậy lời kết cho bài này tôi xin dẫn một bài ca dao vậy, xin các quý vị đừng nặng nề nếu thấy nó không ăn nhập gì với những gì tôi viết ở trên.

“Em là con gái Đàng Trong
Em đi thuyền dưới mất lòng thuyền trên
Ba năm ăn ở thuyền trên
Bởi anh hàng muối cho nên mặn mà
Xuống thuyền nhịp bảy nhịp ba
Trách anh hàng trứng ở ra hai lòng.”

Vũ Hoài Nam

Nguồn: http://www.talawas.org/?tag=nguy%E1%BB%85n-ng%E1%BB%8Dc-ng%E1%BA%A1n

No comments:

Post a Comment