Tuesday, July 28, 2009

Nhân vụ Tam Tòa, nhớ lại vụ Quỳnh Lưu và Đông Yên - Cẩm Ninh

    Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu, Nghệ An, 1956
Cẩm Ninh

Năm 1956, cuộc nổi dậy của đồng bào huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là 1 cuộc đấu tranh đẫm máu chống lại chính sách cai trị dã man của lãnh đạo CSVN, mà qua đó, chính sách Cải Cách Ruộng Ðất đã là nguyên nhân chính làm bùng nổ cơn phẫn nộ của người dân. Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu bị đảng CSVN bưng bít tin tức rất kỹ vì tầm mức ảnh hưởng nguy hiểm của nó; trong khi cuộc đấu tranh của các văn nghệ sĩ trong biến cố Nhân Văn Giai Phẩm may mắn hơn, được loan tin vào miền Nam VN thời bấy giờ, với những tư liệu lịch sử rất giá trị.

Nhưng không vì thế mà cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu bị chôn vùi với nỗi oan khiên của những nạn nhân đã chết. Một số nhân chứng hiếm hoi đã kể lại, viết lại để các thế hệ tiếp nối hiểu được những gì xảy ra dưới chế độ XHCN. Tội ác của lãnh đạo CSVN không thể đếm băng số người dân đã chết. Tầm mức [mục đích] của tội ác đã đi ra khỏi giới hạn suy nghĩ của loài ngườị.

1. Chính sách Cải cách Ruộng đất:

Lãnh đạo CSVN đã bắt đầu cuộc cải tạo nông nghiệp tại miền Bắc khi thực dân Pháp vẫn còn xâm chiếm nước ta. Hồ Chí Minh đã ký 2 Sắc luật Giảm Tô (tức giảm số thóc gạo mà nông dân phải trả cho người chủ đất) số 78/SL ngày 14-07-1949, và Sắc luật 42/SL ngày 01-07-1951 về chính sách nông nghiệp của chính quyền kháng chiến, nằm trong toàn bộ chính sách thuế khóa, gồm cả thuế công thương nghiệp, sát sinh, lâm thổ sản, xuất nhập cảng ... Chính sách thuế nông nghiệp đã khởi đầu cho các chiến dịch phân mảnh định hàng các loại ruộng, bình sản lượng, bình diện tích mỗi mảng đất để làm căn bản tính thuế, sau đó tiến hành chiến dịch chống phản động, đấu tranh giảm tô kéo dài đến năm 1954, và chỉ tạm ngưng khi chiến trường Ðiện Biên Phủ bắt đầu nghiêm trọng và sau đó đưa đến Hiệp định Geneva ký vào tháng 07-1954. Kế đến, lãnh đạo CSVN lại tạm ngưng chiến dịch Cải cách ruộng đất tới cuối năm 1955, đầu 1956, vì (1) CSVN bận lo đón tiếp hơn 50.000 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, (2) phải đối phó với phong trào di cư và cuộc biểu tình đòi di cư của người dân vùng Ba Làng (Thanh Hóa) (3). Phải che giấu phần nào thủ đoạn tàn bạo để trấn an lòng dân, che mắt các quan sát viên quốc tế của Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến và ổn định tình hình nội bộ.

Giai đoạn thứ hai của Cải cách ruộng đất bắt đầu từ cuối năm 1955, lãnh đạo CSVN tiếp tục phát động phong trào quần chúng qua nhiều đợt đấu tranh cải cách ruộng đất. Trong giai đoạn này, hình thức đấu tranh cải cách ruộng đất cũng giống như đấu tranh giảm tô, nhưng khác ở mức độ tàn bạo cao hơn gấp bội và số nạn nhân cũng gia tăng do sự càn đi, quét lại và kích tỷ lệ. Ở một số nơi như các vùng vừa tiếp thu và đồng bằng bên bờ sông Nhị Hà chẳng hạn, CSVN tiến hành song song 2 chiến dịch Đấu tranh giảm tô và Cải cách ruộng đất một lượt. Ðiều cần nhấn mạnh là CSVN đã bắt chước y hệt chính sách Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, nên đã cho các cán bộ học tập kinh nghiệm nguyên văn cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu ở Hồ Nam, quê hương của Mao Trạch Ðông. Ở Trung Quốc, ngoài ruộng đồng bao la bát ngát, một địa chủ điển hình còn có lâu đài, dinh cơ và quân lính riêng để bảo vệ sản nghiệp, cũng như để đàn áp và bóc lột nông dân. Trong khi ở miền Bắc VN, cái mà CSVN gọi là địa chủ đại gian đại ác thường chỉ có mấy mẫu ruộng, nhưng thuộc thành phần có uy tín ở nông thôn (thường giúp đỡ người nghèo) và có thể trở thành đối tượng chống đối đảng và nhà nước.

Trung ương đảng CSVN đã trao cuộc đấu tranh Cải cách ruộng đất cho Trường Chinh lãnh đạo và Hồ Viết Thắng, Ủy viên Trung ương đảng, phụ trách điều hành. Dưới trung ương có các đoàn cải cách ruộng đất cho mỗi tỉnh và dưới cấp đoàn có các đội cải cách ruộng đất cho từng xã. Các đoàn và đội đều nhận lệnh trực tiếp từ trung ương mà không cần qua ủy ban hành chánh địa phương. Thành phần trong các đoàn, đội được tuyển lựa đều là thành phần cốt cán, bần cố nông, là đảng viên trung kiên đã chiến đấu trong bộ đội. Càng về sau, chính sách cải cách ruộng đất càng khốc liệt bởi phần đông đội viên toàn là những người trẻ tuổi, cuồng tín, được bồi dưỡng tư tưởng đấu tranh giai cấp, căm thù thật sự. Vì thế, trong năm 1956, riêng đợt cải cách ruộng đất Ðiện Biên Phủ đã đưa số nạn nhân bị tàn sát lên đến 10.000 người. Ðội cải cách ruộng đất đã trở thành công cụ giết người ghê rợn của chế độ. Sự tàn sát lên cao vì chính sách kích tỷ lệ (nâng tỷ lệ) của CSVN. Thí dụ : cứ mỗi xã có 100 gia đình thì dù đủ hay không, có hay không có, đội cải cách ruộng đất của xã đó phải tìm cho ra ít nhất là 5 gia đình địa chủ (tỷ lệ 5%), nếu hơn thì càng tốt. Trong 5 gia đình này phải quy cho được 2 gia đình là cường hào ác bá để xử tử. Nếu đội không làm đủ tiêu chuẩn sẽ bị phê bình là thiếu ý thức đấu tranh giai cấp, công tác kém cỏi. Nghe 1 đoạn thơ tuyên truyền của thi sĩ Tố Hữu, ta sẽ thấy sự dã man ra sao:
    Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
    Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
    Cho Ðảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
    Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.
Mục tiêu cuộc Cải cách ruộng đất còn là cơ hội để đảng CSVN mở cuộc thanh trừng quy mô những đảng viên trong nội bộ hoặc trong hàng ngũ kháng chiến cần bị đào thải vì không thuộc thành phần vô sản, những người có thể trở thành nguy hiểm cho đảng vì đã trau giồi những kinh nghiệm đấu tranh, đã có khả năng lãnh đạo, có uy tín, nắm vững tình hình đảng, quy tụ được thế lực mạnh, và có thể phản đảng. Chính CSVN đã thú nhận khi có chính sách sửa sai, trong cuộc thanh trừng này có đến 23.000 đảng viên trung kiên bị chết oan; còn hàng ngàn đảng viên không trung kiên bị chết một cách đích đáng thì chưa thấy tài liệu nào của đảng công bố cả. Rất nhiều cán bộ cao cấp có công với kháng chiến cũng bị kết tội cường hào ác bá, hoặc tham gia trong các tổ chức phản động như VN Quốc Dân Ðảng chẳng hạn. Theo hồi chánh viên Nguyễn Văn Thân, kỹ sư thuộc Bộ Thủy Lợi miền Bắc, trước kia đã từng tham gia nhiều vụ Cải cách ruộng đất, cho biết 1 cuộc đấu tố chụp mũ như sau:

"... Cuộc đấu tố điển hình nhất mà tôi được dự là lần đấu tố ông Nguyễn Văn Ðô, Bí thư huyện ủy tại Ô Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nội. Nạn nhân Nguyễn Văn Ðô là Bí thư huyện ủy, rất có công với kháng chiến nhưng lại bị kết tội là cường hào ác bá và có chân trong tổ chức Quốc Dân Ðảng. Chủ tịch đoàn nói rằng ông lợi dụng chức vụ của Ðảng để hoạt động cho Quốc Dân Ðảng. Người đứng kể tội là 1 nông dân trước kia đi chăn ngựa cho ông Ðộ. Một cụ già khác lên tố về việc cướp đất ruộng nương và cô con cái của ông lên đấu tố là đã bị ông cưỡng hiếp tất cả 177 lần. Ðến khi ông Ðô được phép lên phát biểu ý kiến nhận tội, ông đã cứng cỏi trả lời: Ông không phải là Quốc Dân Ðảng, ông chỉ làm việc cho Bác, cho kháng chiến mà thôi. Ông trả lời cô con gái là: "Thưa bà, bà còn quên đấy, tôi đã hiếp cả mẹ bà để đẻ ra bà nữa". Câu trả lời này làm mọi người phải bật cười và làm đấu trường mất vẻ tôn nghiêm. Chủ tịch đoàn vội vàng hô khẩu hiệu "Ðả đảo tên Ðô ngoan cố" để đàn áp và che lấp tiếng nói của ông. Sau đó họ không cho ông nói tiếp. Họ nghị án và quyết định xử tử ông ngay tại chỗ. Cuộc đấu tố này kéo dài từ 5g sáng tới 13g trưa mới xong".

Rất nhiều người thuộc thành phần trung nông (trung nông cấp thấp: vài sào (acre) đất; trung nông cấp cao: 1-3 sào và 1 con trâu), tiểu thương cũng bị kích lên thành địa chủ (địa chủ thường: 3-5 sào hay có khi hơn một chút, không giàu, cho mướn ruộng lấy địa tô, không có tội với nhân dân; địa chủ cường hào ác bá: 3-5 sào, có tội với nhân dân; địa chủ phản động: đảng viên VN Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt v.v...). Với dân số miền Bắc vào năm 1956 là khoảng 20 triệu người, có khoảng 4 triệu gia đình nông dân. Nếu chỉ có 2% gia đình nông dân bị liệt vào giai cấp cường hào địa chủ, thì số người bị giết ít nhất là 80.000 người. Chưa kể số người chết tăng lên qua chính sách kích tỷ lệ theo đúng chỉ tiêu do đảng CSVN đề ra. Sự oán hận của người dân ngày càng dâng cao ở khắp nơi. Nhiều vụ phục kích giết cán bộ đấu tố và những vụ chém giết giữa bần cố nông và thân nhân của người bị đấu tố đã xảy ra thường xuyên. Ngay lúc đó, nhiều biến cố chính trị đã xảy ra tại các nước CS như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Hung Gia Lợi. Liên Xô yêu cầu Hồ Chí Minh thực hiện việc xét lại. Hồ Chí Minh chuẩn bị kế hoạch ngừng chiến dịch đấu tố vào tháng 3-1956, nhưng chính thức ra lịnh đình chỉ mọi vụ hành quyết địa chủ vào tháng 10-1956. Trong Hội nghị thứ 10 Trung ương đảng, Võ Nguyên Giáp đã thay mặt đảng đọc một bản thú nhận sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh khóc lóc và đổ cho cấp dưới thi hành chính sách quá đà, cách chức Thứ trưởng phụ trách Cải cách ruộng đất là Hồ Viết Thắng để xoa dịu lòng dân. Ðảng CSVN cũng thả 12.000 đảng viên còn sống sót trong tù vì bị kết tội địa chủ, trong số này nhiều người bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành.

Tuy nhiên oán thù của người dân không vì thế mà nguôi ngoai. Nhiều vụ nổi dậy, bạo động lớn nhỏ đã xảy ra sau đó, như Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hải Phòng, Lạng Sơn... Trong thời gian này cũng có những vụ bạo động khác như những vụ thanh niên và công nhân Nam Bộ tập kết đập phá bót cảnh sát ở bờ hồ Hà Nội (cạnh ga tàu điện, đầu phố Cầu Gỗ).

2. Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu:

Sau cái gọi là Nghị quyết sửa sai của đảng CSVN về những đợt Cải cách ruộng đất đẫm máu, các nạn nhân đã tìm những cán bộ thanh toán món nợ truyền kiếp. Các đảng viên CS trung kiên được thả về từ nhà tù, được khôi phục quyền hành, khôi phục đảng tịch, liền tìm ngay các đồng chí đã tố sai để trả thù. Do đó, tình trạng xung đột, giết chóc giữa đảng viên cũ và đảng viên mới lan rộng khắp mọi nơi. Uy tín của đảng bị sụp đổ, cán bộ hoang man, lo sợ tột độ.

Ở nông thôn, các đảng viên đi họp phải mang búa theo để thảo luận với nhau. Những địa chủ được tha về, thấy tình trạng làng xóm bất ổn như vậy, vội vàng chạy ra thành phố ở nhờ các gia đình tiểu tư sản hồi kháng chiến đã trú ngụ ở nhà mình. Các bần cố nông trót nghe lời đảng tố điêu nay sợ bị rạch mồm, cắt lưỡi, cũng vội vàng chạy ra thành phố để đạp xích lô và đi ở thuê. Vì vậy, số dân ở Hà Nội, Nam Ðịnh đột nhiên tăng lên gấp bội và không khí căm thù ở nông thôn lan ra thành phố, ảnh hưởng đến giới công nhân, tiểu tư sản, sinh viên và trí thức, dùng báo chí lên tiếng chống đảng, thì cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu đã làm đảng CSVN rất lo sợ.

Toàn thể nhân dân tỉnh Nghệ An, gồm đủ mọi thành phần giai cấp ở các xã Quang Trung, Tân Nho, Diễn Tân, Vạn Kim, Diễn Ðức, Diễn Ðông, Diễn Nguyên, Minh Châu, Ðức Vinh, Hồng Thăng, Ðại Gia, Yên Trung đã mở 1 đại hội để tố cáo những chính sách cai trị tàn ác của chế độ. Ban tổ chức đại hội còn mời luôn cả cán bộ VC thuộc cấp tỉnh và huyện đến tham dự để chứng minh tinh thần đấu tranh cho tự do của nhân dân. Sau nhiều giờ thảo luận, đại hội đã đồng thanh lập bản kiến nghị nguyên văn như sau:

- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi những vị linh mục chánh sở và tất cả những vị giáo sĩ bị bắt bớ giam cầm,

- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi xác các vị linh mục đã bị hành quyết và của những vị đã bị thủ tiêu,

- Yêu cầu trả lại những tài sản của địa phận, của thánh đường, của Ðức Mẹ đã bị chính quyền tịch thu hoăc xung công,

- Yêu cầu đền bồi thanh danh của các giáo sĩ đã bị nhục mạ và danh dự của các giáo hữu đã bị vu khống.

Cán bộ VC rất căm tức những lời kết án của dân chúng. Lúc đầu họ nhất định không ký tên, nhưng với áp lực của hàng ngàn người, họ bắt buộc phải ký vào quyết nghị. Ban tổ chức đã gởi bản quyết nghị này đến 4 nơi : Tòa thánh La Mã (qua trung gian của Ðức Khâm sứ Dooley), Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến, Hồ Chí Minh và gởi đến chính quyền quốc gia miền Nam. Phía CSVN đã tìm đủ mọi cách ngăn chặn bản quyết nghị đến tay Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến.

Dân chúng đã dùng ngay chính sách sửa sai của CSVN để đòi lại chồng con đã bị giết, tài sản đã bị cưỡng đoạt và đòi được di chuyển tự do vào Nam như đã cam kết trong Hiệp định Geneva. Giữa lúc đó, được tin chiều ngày 09-11-1956, Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến sẽ đi qua Cầu Giát để lên Hà Nội, hàng ngàn người đã kéo ra đường số 1 chờ đợi. Ðồng bào đã góp đơn lại giao cho 6 thanh niên đại diện đưa thư. Mấy ngàn đồng bào đã nằm ngay trên đường để chận xe lại. Sáu thanh niên đã đưa cho viên sĩ quan Ấn Ðộ trong Ủy Ban mấy vạn lá thư đựng trong bao bố. Viên sĩ quan này cho biết sẽ trình lại cấp trên và trả lời vào ngày thứ Bảy trong tuần.

Sau đó, ngày 10-11-1956, khoảng 10.000 nông dân đã mở đại hội lần thứ hai tại xã Cẩm Trường để bàn thảo về ngày thứ Bảy. Mọi người đều tỏ ra hân hoan khi biết sắp sửa từ bỏ địa ngục trần gian. Nhưng ngay lúc đó, CSVN đã điều động 2 đại đội chủ lực và 1 đại đội công an võ trang huyện Diễn Châu về xã Cẩm Trường để giải tán đại hội nông dân. Bạo động đã xảy ra. Tiếng súng và lựu đạn nổ vang trời. Mặc dù tay không nhưng khí thế quần chúng quá mạnh, những người phía sau đã tràn lên thay cho những người gục ngã phía trước.

Cuối cùng, dân chúng đã bao vây đồn bộ đội, công an vào giữa. Ðêm hôm đó, CS đưa thêm 2 trung đoàn về bao vây 10.000 nông dân tại xã Cẩm Trường. Dưới cơn mưa phùn lất phất cuối đông, cảnh tượng bi hùng đã diễn ra ở 1 trận địa giữa 10.000 nông dân và 2 vòng trong ngoài đầy những công an và bộ đội. Tờ mờ sáng này 11-11-56, các bà mẹ đã đánh trống, mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu. Xã Diễn Châu như bị động đất. Rồi 30.000 nông dân kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn chính quy của CS, trở thành 1 vòng bao vây thứ tư. Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá mau, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên. Hồ Chí Minh rất căm hận biến cố này vì Nghê An là quê quán của ông ta, nhưng Hồ Chí Minh chưa biết cách giải quyết thế nào để gỡ thể diện cho mình và đảng. CS cũng tìm cách liên lạc với Giám mục Trần Hữu Ðức nhờ ông giải quyết, nhưng ông đã trả lời: "Tôi không biết về vấn đề chính trị, vì tôi là nhà tu hành". Lúc bấy giờ, phía dân chúng đã có 1 số lượng vũ khí đáng kể, tịch thu được từ bộ đội. Chưa bao giờ 1 cuộc nổi dậy ở miền Bắc lại có đủ tất cả thành phần dân chúng, kể cả các đảng viên CS.

Ðêm 11 rạng ngày 12-11-1956, một số nghĩa quân lén trở về Quỳnh Lưu để tổ chức biểu tình yểm trợ cho dân quân xã Diễn Châu. Ðêm hôm đó, 3000 thanh niên các xã Do Xuyên, Ba Làng và Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) đã kéo vào yểm trợ nghĩa quân. 4g sáng cùng ngày, một Ủy Ban Biểu Dương Lực Lượng Nông Dân Quỳnh Lưu và Ủy Ban Tiếp Tế Nghĩa Quân được thành lập. Phụ nữ, trẻ em đã mang gạo, thực phẩm đến xã Cẩm Trường, nơi cuộc đấu tranh đã bước vào ngày thứ 3.

Rạng ngày 13-11-1956, một cuộc biểu tình vĩ đại với sự tham gia của gần 100.000 đồng bào tỉnh Nghệ An. Bài hát "Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa" đã được truyền đi khắp nơi, hoà với những đợt trống, mõ vang lên liên tục:
    Anh đi giết giặc lập công
    Con thơ em gửi mẹ bồng
    Ðể theo anh ra tiền tuyến
    Tiêu diệt đảng cờ Hồng
    Ngày mai giải phóng
    Tha hồ ta bế ta bồng con ta
Cuộc biểu tình đã tuần hành tiến về Ty Công an Ngệ An, hô thật to những khẩu hiệu: "Lương giáo đoàn kết chặt chẽ sau lưng các nghĩa quân", "Lương giáo quyết tâm chống CS khát máu", "Tinh thần Quỳnh Lưu bất diệt"... Công an tỉnh lẩn trốn từ lâu trước khí thế này. Dân chúng thi nhau nhảy lên nóc Ty Công an, xé tan cờ đỏ sao vàng, đạp vỡ ảnh HCM và các lãnh tụ CS quốc tế.

Trước tình hình này, Hồ Chí Minh ra lịnh cho Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 304 từ Thanh Hóa, Phủ Quỳ và Ðồng Hới về bao vây nghĩa quân. Sư đoàn này quy tụ nhiều bộ đội miền Nam tập kết mà Hồ Chí Minh muốn xử dụng, thay vì dùng bộ đội sinh quán ở miền Trung hoặc miền Bắc, để có dịp trút tội cho binh đoàn miền Nam nóng tính này. Trận địa tại xã Cẩm Trường đã lên đến 5 vòng đai giữa dân quân và VC.

Buổi chiều cùng ngày, nghe tin dân quân xã Cẩm Trường bị Sư đoàn 304 vây, gần hàng chục ngàn người đã tiến về xã Cẩm Trường để tiếp cứu. Vòng đai chiến trận đã tăng lên lớp thứ 6. Buổi tối ngày 13-11-1956, hơn 20.000 nông dân từ Thanh Hóa lại kéo vào tiếp viện, mang theo đầy đủ lương thực, tính kế trường kỳ đấu tranh.

Ngày 14-11-1956, Văn Tiến Dũng huy động thêm Sư đoàn 312 vào trận địa quyết tiêu diệt nhân dân Quỳnh Lưu. Khi vòng đai thứ 7 thành hình, Hồ Chí Minh ra lịnh tiêu diệt cuộc nổi dậy có một không hai trong lịch sử đấu tranh chống VC. Trước bạo lực đó, nông dân vẫn cứ quyết tâm tử chiến để bảo vệ căn cứ. Lịnh của ban chỉ đạo nghĩa quân được truyền đi: Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giải phóng dân tộc.

Nhưng vì vũ khí quá thô sơ, nghĩa quân phải rút vào rừng sâu. Sau khi trận chiến kết thúc, quân đội VC đã xông vào các làng Thanh Dạ, Song Ngọc, Cẩm Trường bắt tất cả già trẻ lớn bé giải đi. Họ tra khảo từng người để tìm ra ban chỉ đạo đấu tranh nhưng vô hiệu, vì bất cứ ai, kể cả các em thiếu nhi, đều tự xưng là người lãnh đạo cuộc cách mạng này. Không bắt được ai, VC đành thả bà con ra về, nhưng Hồ Chí Minh tính kế bắt đi Linh mục Hậu và Linh mục Ðôn của 2 xứ Cẩm Trường và Song Ngọc. Dù 2 vị này đã nói: "Chúng tôi là nhà tu hành, chúng tôi không biết gì đến việc nhân dân", nhưng cũng bị công an kéo lê lên xe giải về Hà Nội.

CS bắt 2 vị linh mục phải lên đài phát thanh đổ lỗi cho giáo dân và nông dân, nhưng 2 vị không băng lòng. CS đe dọa nếu không tuyên bố như vậy thì sẽ giáng tội cho 2 vị là những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa phản động này. Họ mang hình ảnh Linh mục Tấn bị thủ tiêu ở Phủ Quỳ ra dọa nạt. Cuối cùng, 2 vị phải tuyên bố ngược lại sự thật.

Dù nhà cầm quyền CS vẫn cố tình che giấu, xuyên tạc cuộc nổi dậy của nhân dân Quỳnh Lưu cho đến ngày hôm nay, dù họ đã dùng bạo lực đàn áp, giết chóc và đày ải hơn 6.000 nông dân trong biến cố Quỳnh Lưu, nhưng tinh thần yêu nước, can trường của người dân các tỉnh miền Trung nói chung, và ở tỉnh Nghệ An nói riêng, đã soi sáng cho các thế hệ sau con đường chính nghĩa để đòi lại tự do.

Người CS rồi sẽ không thể nào dùng những bàn tay giết người che lấp nổi mặt trời. Những việc làm của họ rồi sẽ được phơi bày ra ánh sáng.

Ðòi cho bằng được tự do, công bằng, quyền căn bản của con người không thể xem là một cái tội. Dùng bạo lực để áp đặt một tội danh là gieo nỗi oan khuất cho cả một dân tộc. Nỗi oan khuất đó đã chồng chất đến trời xanh. Nói về những nỗi oan sống dưới chế độ CS thì không biết bao nhiêu mà kể.

Với những nỗi oan của những người đã chết, oan khiên đeo nặng những người còn sống, đảng CSVN đã giải quyết ra sao? Chỉ là sự im lặng.

Thời gian cũng đủ chứng minh CSVN không thể trả lời. Nhưng người dân VN có thể sẽ tự trả lời khi cao trào thèm khát cuộc sống tự do dân chủ tới hồi chín muồi. Tiếng trống bi hùng của đồng bào Quỳnh Lưu 60 năm về trước vẫn còn vọng về thúc giục người có lòng ái quốc, thương nòi trong chúng ta. Bài hát vang trong bầu trời Quỳnh Lưu như nhắn nhủ gọi người can trường đi tìm chân lý của cuộc sống : con người sinh ra phải được tự do.

Cẩm Ninh

Tài liệu tham khảo:

- Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc của Hoàng Văn Chí.

- Cuộc Cải Cách Nông Ngiệp tại Miền Bắc của Võ Trường Sơn.

- Việt Nam Giáo Sử của Phan Phát Huồn.

- Cuộc Phiêu Lưu của một Gia Ðình Nông Dân của Thập Lang.

*********
    Gương can đảm của giáo dân Công giáo Đông Yên

Phaolô Trần

Đông Yên là một xứ đạo Công giáo nằm ven bờ biển, về đạo thuộc Giáo phận Vinh, về đời thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh [1]. Giáo dân Đông Yên tuy quê mùa [2] nhưng rất sốt sắng trong đời sống kinh nguyện nói chung và trong lòng sùng kính Đức Mẹ nói riêng [3]. Đứng trước sự đàn áp tôn giáo kiểu sắt đá của chính quyền cộng sản từ thập niên 50 đến giữa thập niên 80, giáo dân Đông Yên đã tỏ ra can đảm phi thường trong việc bảo vệ Đạo của mình [4]. Câu chuyện dưới đây là một trong những bằng chứng cụ thể của lòng can đảm bất khuất đó. Những giáo dân ở Đông Yên trước đây cũng như những giáo dân ở Đốc Sơ, Nguyệt Biều, rồi An Truyền sau này, khi họ can đảm đứng lên ủng hộ và bảo vệ vị chủ chăn của họ là Cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, tất cả chẳng qua viết tiếp những trang sử xanh, trên đó truyền thống đức tin anh hùng của người giáo dân Công giáo Việt Nam không ngừng in đậm dấu son kể từ ngày Đạo Chúa được rao giảng trên đất nước Lạc Hồng. Xin được phép nhắc lại rằng giáo dân chiếm đại đa số trong số 130.000 vị tử đạo Việt Nam chưa được phong hiển thánh cũng như trong số 117 vị tử đạo đã được phong.

Câu chuyện bắt đầu từ tháng Chạp năm 1969. Xứ đạo Đông Yên lúc đó có khoảng 1.500 giáo dân với một linh mục duy nhất là Cha Vũ Đình Giáo. Số là Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cũng như nhiều nơi khác, thường mời Cha Giáo cũng như mọi linh mục khác trong giáo phận đi họp hội nghị Mặt trận để nghe thuyết trình về chính sách này đường lối nọ của Đảng, của chính quyền. Ủy ban mới tới hai lần đều bị ngài từ chối. Cho là ngài có thái độ chống đối, lần thứ ba chính quyền Cộng sản không mời nữa nhưng tống giấy triệu tập ngài lên ty công an tỉnh. Được tin này, giáo dân Đông Yên nhất quyết không để cho ngài đi vì họ có lý để nghĩ rằng một khi ngài ra ngoài ty công an, ngài sẽ bị nhốt hoặc bắt đi luôn. Giáo dân không muốn xứ đạo của mình không có linh mục. Thế là giáo dân tụ tập xung quanh nhà xứ, canh giữ không cho chính quyền vào đưa ngài đi.

Thấy giáo dân tỏ ra quá đồng lòng và kiên quyết, nên để áp đảo tinh thần của họ, ngay từ đầu chính quyền đã huy động cả một lực lượng trên 3.000 gồm công an cũng như cán bộ của nhiều cơ quan ban ngành khác từ xã, huyện, đến tỉnh: cứ 1 giáo dân phải đối phó với 2 hoặc 3 nhân viên của chính quyền. Ngoài ra còn có cả một sư đoàn của quân đội cộng sản chực sẵn ngoài bờ biển để tiếp ứng khi cần. Trong tháng đầu 3.000 nhân viên chính quyền chủ yếu dùng lời lẽ hoặc thuyết phục hoặc đe doạ giáo dân. Nhưng giáo dân vẫn một mực không chịu mở vòng vây cho chính quyền vào đưa Cha Giáo đi.

Điều này khiến chính quyền cộng sản nghi ngờ rằng Cha Giáo không chỉ thuần tuý kháng lệnh triệu tập mà có thể trong nhà xứ còn chứa chấp gì khác, biết đâu có thể là gián điệp hay biệt kích của chính quyền miền Nam Cộng hòa hay thậm chí cả lính Mỹ. Giáo dân cam đoan trong nhà xứ không có gì khác, họ thuần tuý chỉ bảo vệ cha xứ, không muốn chính quyền bắt ngài đi, chỉ có thế thôi, nhưng chính quyền cộng sản với bản tính đa nghi hơn cả Tào Tháo, với chủ trương "giết lầm hơn bỏ sót", đời nào đi tin người dân. Nên từ tháng thứ hai trở đi, lực lượng của chính quyền chủ yếu mỗi ngày hai lần dùng sức mạnh xô đẩy, lôi kéo hòng phá vòng đai bảo vệ của giáo dân để xông vào nhà xứ. Nhưng cứ mỗi lần lực lượng chính quyền xông đến phá vòng vây thì giáo dân không những cố cản lại, mà còn đồng thanh, từ trẻ tới già, kêu to Tên cực trọng (tức tên Chúa). Kêu to Tên cực trọng khiến giáo dân lại hăng thêm, còn công an cán bộ của nhà nước nghe vậy thì hoảng sợ lùi lại. Cũng nên biết thêm rằng chính quyền còn bí mật lồng cả một đội đặc công vào trong 3.000 nhân viên nói trên để dễ bề hành động. Có lần ở một khâu của vòng vây sao đó khiến một viên đặc công xoay xở lọt qua được. Xông thẳng ngay tới cửa trước nhà xứ, anh ta dùng sức mạnh đập bể kính cửa hòng mở khóa vào nhà. Nhưng không hiểu sao các mảnh kính bể tự nhiên bắn ngược trở lại, cắm phập vào người anh ta, khiến anh ta ngã xuống chết ngay tại chỗ! Một số đồng đội của anh ta vừa mới len vào sau, thấy vậy liền xông đến lôi xác anh ta chạy đi. Ở những chỗ khác của vòng vây giáo dân đang giằng co với nhân viên chính quyền chỉ thấy chớp choáng bỗng nhiên từ phía sau họ chạy ra một tốp người kéo theo một người khác liền tưởng rằng có một số nhân viên chính quyền đã vào được nhà xứ bắt được Cha Giáo đem ra. Hoảng quá, nhiều giáo dân bỏ vị trí rượt theo để giành lại cha xứ của mình. Vòng đai bảo vệ của giáo dân sắp lỏng lẻo tới nơi. May thay Cha Giáo đã trở tay kịp thời. Ngài luôn có khoảng 4, 5 em nhỏ (từ 13 đến 14 tuổi) túc trực ở trong nhà xứ nên đã sai một hai em chạy ra gọi giật họ trở lại là Cha vẫn còn ở trong, chưa hề bị bắt.

Cứ thế kéo dài suốt ba tháng từ ngày đưa hơn 3.000 nhân viên của nó về Đông Yên, chính quyền cộng sản vẫn không phá được vòng đai bảo vệ của giáo dân. Một đàng hoàn cảnh không còn như thời Cải cách Ruộng đất nên chính quyền không thể công khai dùng súng đạn bắn vào cả một tập thể xứ đạo để xông vào nhà xứ. Đàng khác chẳng lẽ cả một chính quyền lại đi thua giáo dân của một xứ đạo, không làm sao cướp được cha xứ ra khỏi tay họ; nếu chuyện này để lộ ra sẽ khích lệ nhân dân ở các nơi khác noi gương giáo dân Đông Yên không phục tùng chính quyền nữa thì rắc rối. Vì thế tháng 03-1970 trung ương Đảng cộng sản có lệnh xuống phải bí mật dùng hỏa lực tiêu diệt hết người Công giáo Đông Yên, xóa sổ họ đạo này hoàn toàn, rồi dàn cảnh đổ tội là do Mỹ pháo kích hay thả bom [5]. Trung ương giao cho quân đội và công an phối hợp với nhau mà thi hành mệnh lệnh. Về phía quân đội người đứng đầu chịu trách nhiệm thi hành là đại tá Vũ Duy Hán, người Đô Lương, về phía công an là viên trưởng phòng phản gián của ty công an Hà Tĩnh. Phe chính quyền tập trung đủ thứ hỏa lực từ các tiểu đội trung cao, đại cao, tên lửa, cho đến các khẩu pháo cao xạ được bí mật vận chuyển đến và bố trí trên các đồi trọc xung quanh Đông Yên. Một kế hoạch phối hợp hỏa lực được vạch ra cụ thể và tập dượt trước trước ngày ra tay [6]. Trong lúc đó giáo dân Đông Yên vẫn kiên cường canh giữ quanh nhà xứ mà không hề hay biết trong vài ba đêm nữa họ có thể bị súng đạn của chính quyền bao vây và giết sạch.

Vào đêm mà chính quyền đã quyết định ra tay, khi lệnh khai hỏa ban ra, thì tự nhiên súng lại không nổ được. Điều kỳ diệu này không thể giải thích được trừ phi đó là phép lạ từ Trời cao. Phe chính quyền cũng khá ngạc nhiên nhưng vẫn cố nghĩ là do sự trục trặc kỹ thuật nào đó. Sau khi rà xét lại súng ống và phối hợp tập dượt cẩn thận hơn, đúng một tuần sau, vào khoảng 2g sáng, lệnh khai hỏa lại được ban ra. Nhưng vẫn y như lần trước, không hiểu sao súng cũng không nổ. Trước sự kiện kỳ lạ xảy ra tới hai lần này, ngay cả đại tá Hán cũng phải run sợ nhận rằng rõ ràng có bàn tay vô hình nào đó nhưng hết sức linh thiêng, đầy quyền phép can thiệp. Còn có chút ý thức tôn giáo, ông ta liền lập tức đào ngũ, bỏ về nhà, thà chấp nhận bị chính quyền kỷ luật còn hơn ở lại đó mà cưỡng lại phép Trời đã lộ ra nhãn tiền. Chính quyền cộng sản khi được báo cáo sự kiện kỳ lạ này cũng không dám cưỡng ép nhân viên mình tiếp tục thi hành kế hoạch thủ tiêu Đông Yên nên ra lệnh rút lui. Vì sợ lộ cái kế hoạch tàn ác và thâm độc đó, chính quyền cũng không dám đưa những người như đại tá Hán ra xét xử công khai mà chỉ bãi chức cho về làm dân thường. Tuy nhiên vì không muốn hoàn toàn mất mặt, chính quyền cộng sản cố tìm một cách khác dù cách này thì phải hạ mình, hạ giọng xuống một chút. Đó là tuy không dám bắt Cha Giáo nữa nhưng chính quyền thuyết phục Đức cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức [7], Giám mục chính tòa của Giáo phận Vinh lúc đó, can thiệp đổi ngài đi một xứ đạo khác, đưa một cha khác về. Đức cha Đức cũng không phải tay vừa, lợi dụng chỗ núng thế của chính quyền liền ra điều kiện ngược lại là muốn đưa Cha Giáo đi khỏi Đông Yên thì cũng được, nhưng phải chấp nhận cho Cha Nguyễn Đăng Điền về đó, mà không phải là một linh mục nào khác, vì chỉ có một mình Cha Điền lúc đó là chưa có nhiệm sở. Cha Điền chịu chức cũng đã được bốn năm năm, nhưng chính quyền vẫn bắt ngài ở Tòa Giám mục Xã Đoài, ngăn cản không cho phép ngài đi xứ, vì biết rõ ngài cũng là loại linh mục có tinh thần chống đối, tuy cách khôn khéo. Thật là "tránh vỏ dưa đạp vỏ dừa", nhưng hết cách chính quyền đành phải nhượng bộ.

Về phía giáo dân Đông Yên, khi thấy chính quyền cộng sản ra lệnh cho nhân viên của nó rút lui, liền mừng rỡ cảm tạ Chúa và bảo nhau rằng: "Phen này quả là choa [8] thắng Đảng". Mãi về sau này giáo dân mới biết được âm mưu tàn độc của chính quyền muốn thủ tiêu toàn bộ xứ đạo Đông Yên lúc đó. Họ càng thêm cảm tạ Chúa và tin rằng Chúa đã làm phép lạ cứu họ nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, Đấng họ rất mực sùng kính.

Phaolô Trần 07-11-2003

[1] Mãi cho đến sau khi chiếm miền Nam 1975 thì chính quyền cộng sản mới gộp Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thành một tỉnh tức Thanh Nghệ Tĩnh.

[2] Ví dụ như vào lúc câu chuyện kể đây xảy ra thì đàn ông con trai Đông Yên cũng vẫn còn mặc váy (mà tiếng địa phương gọi là "mấn") như đàn bà con gái.

[3] Ngay cả trẻ em khi đi xưng tội cũng thường được cha giải tội ra việc đền tội là lần cả chục tràng hạt Mân Côi. Các em hoàn toàn vui vẻ làm theo. Giáo dân Đông Yên mỗi lần chầu Thánh Thể để đền tạ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ thường chầu liên tục cả ba bốn giờ liền.

[4] Trong hai cuộc chiến tranh với Pháp và với Mỹ, giáo dân Đông Yên kiên quyết từ chối đi dân công hay đi bộ đội cho chính quyền cộng sản, lý do đơn giản vì đó là làm việc cho một tổ chức vô thần phá đạo.

[5] Lối "ném đá giấu tay" này chính quyền cộng sản dùng rất nhiều, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh. Áp dụng cho cả nhân sự lẫn cơ sở tôn giáo, ví dụ như Nhà thờ chánh tòa Xã Đòai, nhà thờ Cầu Rầm ở Vinh, nhà thờ Tam Tòa ở Đồng Hới đều bị chính quyền bố trí súng phòng không bên trong hoặc bên cạnh để máy bay Mỹ cho là nơi ẩn núp của bộ đội cộng sản mà dội bom phá sập. Lối ném đá giấu tay này mang công dụng "một mũi tên giết hai con chim", giống y như Hoà thượng Thích Quảng Độ đã nhận xét sau đây khi kể lại những trường hợp tương tự xảy ra cho các ngôi chùa Phật giáo: "Lại nữa, xét thấy những ngôi chùa lịch sử danh tiếng, điển hình như chùa Thiên Trù (chùa Hương – chùa ngoài)…, chùa Quỳnh Lâm…, cộng sản thấy sau này, khi đã thành công, khó mà tự mình ra tay phá được vì sẽ có ảnh hưởng rất lớn, chi bằng mượn tay quân Pháp cho tiện. Cộng sản bèn đưa quân lính đến đóng tại các chùa đó, treo cờ đỏ sao vàng lên, máy bay thám thính của Pháp đến, thấy có cờ Việt Minh liền báo cho oanh tạc cơ đến bỏ bom (dĩ nhiên là Việt Minh đã rút trước rồi), thế là chùa tan nát! Trong trường hợp này cũng lại một mũi tên bắt hai con chim: một mặt kích động lòng căm thù của nhân dân, lên án giặc Pháp phá chùa và kêu gọi toàn dân hết lòng đánh Pháp; mặt khác, sau này, khi thành công rồi khỏi phải phá để tránh tiếng cộng sản phá chùa lịch sử danh tiếng!" (Bản Nhận Định về những sai lầm tai hại của Đảng CSVN đối với Dân tộc và Phật giáo Việt Nam: viết tháng 1-1992).

[6] Dĩ nhiên vào lúc đêm khuya mới là thời điểm ra tay tốt nhất.

[7] Đức Cha Trần Hữu Đức từ trần ngày 5-1-1971 sau khi làm Giám mục Giáo phận Vinh 20 năm.

[8] "Choa" hay "nhà choa" là tiếng địa phương mà người nói dùng như đại danh từ danh xưng ngôi thứ nhất số nhiều.

No comments:

Post a Comment