Wednesday, July 8, 2009

Cái bẫy đang xập xuống - Nguyễn Ðạt Thịnh

Nguyễn Ðạt Thịnh

Chuẩn tướng Larry Nicholson người đang chỉ huy trên 4,000 lính TQLC Hoa Kỳ và 650 lính A Phú Hãn tiến vào hai làng Nawa và Garmsir gần tỉnh lỵ Lashkar Gah trong cuộc hành quân Khanjar (Nhát kiếm).

Nicholson tuyên bố với phóng viên truyền thông, “Chúng tôi đánh để chiếm, mà hễ đã chiếm là chúng tôi giữ, chúng tôi tổ chức phòng thủ và chuyển giao công cuộc phòng thủ đó cho quân đội A Phú Hãn.”

Anh Dean Nelson, văn phòng trưởng Nam Á của Reuter nhận xét Nicholson “oai” như Churchill -- vị thủ tướng vô cùng cương quyết của Anh đã lãnh đạo người Anh chống lại những cuộc tấn công cuồng nhiệt của Ðức quốc xã trong suốt 5 năm dài (1940- 1945).

Và tôi, anh phóng viên già không còn theo các đơn vị đến chiến trường, quan sát mọi diễn biến để viết bài được nữa, đành ngồi nhà đọc phóng sự của người khác viết.

Nhưng vói cái kinh nghiệm dài 23 năm về chiến tranh phi quy tắc, tôi cảm thấy lo lắng cho 64,000 lính Mỹ đang tham chiến tại A Phú Hãn. Họ sẽ sa lầy như họ đã sa lầy tại Iraq và Việt Nam.

Vị Tổng Tư Lệnh của họ, tổng thống Barack Obama, vì muốn họ không sa lầy, nên đã quyết định không làm những điều vị Tổng Tư Lệnh trước, nguyên tổng thống George W. Bush đã làm.

Ông chỉ thị những gì cho Ngũ Giác Ðài để thực hiện những thay đổi đó? Dĩ nhiên những chỉ thị của ông là bí mật quốc phòng, những không tiết lộ được, nhưng ai cũng đoán được; đoán qua khẩu khí của cấp chỉ huy nhỏ, và qua mục tiêu quân sự của những cuộc hành quân như “Nhát kiếm”.

Ðại úy Bill Pelletier, một đại đội trưởng tham dự hành quân, nói với phóng viên AP, “chúng tôi không quan tâm đến bọn chỉ huy Taliban, chúng không phải là mục tiêu hành quân, chúng tôi quan tâm đến nhân dân; chúng tôi sẽ lắng nghe quý vị kỳ hào, bô lão trong làng nói về những ưu tư của họ.” Trung úy Kurt Stahl, bảo một anh phóng viên Pháp của AFP, “Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn bắn, chúng tôi sẽ nói chuyện với dân làng trình bầy cho họ hiểu mục đích của Hoa Kỳ, và nghe họ nói về ước vọng của họ.”

Súng không còn lăm lăm trên tay nữa, người lính Mỹ đang làm công tác dân sự vụ

Rất rõ: lệnh của tướng Nicholson là thận trọng hỏa lực, bầy tỏ tối đa thái độ thân dân, bảo vệ và giúp đỡ dân.

Quân Mỹ tiến vào tái chiếm những làng xã phía Nam hạ lưu sông Helmand; tái chiếm có nghĩa là trước kia đã chiếm và đã mất. Ðiều này đương nhiên phải gợi lên nguyên nhân của sự thất thủ của những đơn vị A Phú Hãn chiếm đóng hai làng Vawa, Garmsir, và những làng khác.

Việc cánh quân Nicholson đặt nặng công tác dân vận, nặng hơn cả công tác chiến đấu quân sự giúp chúng ta hiểu rằng người Mỹ tưởng vùng hạ lưu Helmand thất thủ vì những đơn vị trấn đóng có thái độ thất nhân tâm.

Nguyên nhân thật của việc thất thủ phức tạp hơn; trên địa hạt nhân tâm người dân Helmand không thích chính sách của Mỹ chứ không phải không thích người lính Mỹ hay người thân binh A Phú Hãn.

Chính sách Mỹ chủ trương triệt hạ toàn thể những ruộng thẩu, nguyên liệu để chế tạo thuốc phiện và nhiều thứ ma túy khác.

Dân A Phú Hãn sống tại thung lũng Helmand trồng đến 103,000 mẫu thẩu trị giá 1 tỉ mỹ kim. Những nỗ lực phá hủy ruộng thẩu của Hoa Kỳ khiến A Phú Hãn chỉ còn thu về có 3.4 tỉ mỹ kim năm 2008, so với 4 tỉ năm 2007.

Như vậy thì lời lẽ thuyết phục người Helmand không phải là tiếng chào vui vẻ của anh GI Hoa Kỳ, mà là phương thức tạo lợi tức khác cho dân chúng.

Trên địa hạt chiến thuật, những đồn binh trong vùng hạ lưu sông Helmand thất thủ, khiến các tổ chức hành chánh tại những xã này cũng bị phá tan.

Nếu các tướng lãnh Hoa Kỳ không tìm được cách bảo vệ xã mà không tùy thuộc vào cái đồn binh đóng trong khuôn viên của xã, hay gần đó, thì họ đang tái bản những tác phẩm mà thế hệ trước họ đã viết tại Việt Nam.

Cái bẫy chiến tranh phi quy ước đang xập xuống đầu những người lính Mỹ có khả năng chiến đấu rất cao nhưng lại không biết làm công tác dân sự vụ.

Nguyễn Ðạt Thịnh


No comments:

Post a Comment